“An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”

04/10/2021 - 06:13

BDK - LTS: Kể từ ngày 1-10-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo Đồng Khởi thực hiện chuyên trang “Nông nghiệp, nông thôn Bến Tre” trên Báo Đồng Khởi. Để nội dung chuyên trang thêm phong phú, đa dạng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Biên tập Báo Đồng Khởi kính mời các cộng tác viên có tác phẩm gửi về cộng tác theo địa chỉ Email: toasoan@baodongkhoi.vn

Ngư dân huyện Bình Đại chuẩn bị ra khơi. Ảnh: H. Hiệp

Ngư dân huyện Bình Đại chuẩn bị ra khơi. Ảnh: H. Hiệp

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phát động phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 với chủ đề “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” để triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ quản lý, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và toàn thể nông dân nhằm phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2021 và trong tình hình mới, với việc thực hiện những nội dung sau:

Tập trung hỗ trợ, tư vấn nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông sản hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị; tạo không gian phát triển mới, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức sản xuất, nhất là sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với bố trí dân cư; rà soát toàn diện, cập nhật kịp thời các quy hoạch xây dựng nông thôn mới; thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng nông thôn theo hướng “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, “vốn ngân sách đi trước, vốn tư nhân theo sau”; kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất kết hợp chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng vùng dân cư tập trung.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào các công đoạn, các khâu từ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng cao sau thu hoạch, truy xuất sản phẩm, phân tích và đánh giá xu hướng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP... tại các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận phục vụ nhu cầu phát triển thị trường, nhất là cho thị trường xuất khẩu như: dừa, bưởi, tôm, heo, bò.

Phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Trong đó, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò nòng cốt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao nhận thức, lòng tin của người dân về chủ trương, định hướng xây dựng chuỗi giá trị nông sản, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của tỉnh; thường xuyên thông tin, giới thiệu, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, để người dân thấy rõ vai trò, lợi ích của kinh tế hợp tác mang lại...

 Kết nối sản xuất với doanh nghiệp và thị trường, rà soát, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và của tỉnh; tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua tổ chức hội chợ triển lãm, phát triển thương mại điện tử, gia tăng năng lực sản xuất mới; hỗ trợ xây dựng website; bộ nhận diện thương hiệu và các công cụ quảng bá sản phẩm cho tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp, sản phẩm OCOP.

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích