Ðất Mũi - Xứ Dừa cùng giữ gìn nghệ thuật cải lương

14/06/2019 - 07:34

BDK - Đoàn cải lương Hương Tràm - tỉnh Cà Mau vừa có dịp trở lại Bến Tre giao lưu biểu diễn với 2 đêm diễn tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri và tại hậu cứ của Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre (đêm 11 và 12-6-2019). Không đơn thuần là một cuộc giao lưu mà đây còn là dấu mốc kết nghĩa giữa hai đoàn nghệ thuật cải lương có cùng truyền thống cách mạng, hát để xây dựng quê hương và phục vụ đồng bào.

Tiết mục giao lưu của nghệ sĩ hai đoàn cải lương.

Tiết mục giao lưu của nghệ sĩ hai đoàn cải lương.

Nhiều điểm tương đồng

Trong các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre và Cà Mau là hai trong số ít đơn vị đã có sự quyết tâm không nhỏ để gìn giữ hoạt động của đoàn nghệ thuật cải lương tỉnh nhà. Không chỉ giống nhau về điều đáng quý ấy mà hai đoàn còn có sự tương đồng về xuất phát điểm, đó là cùng có truyền thống cách mạng. Nếu như Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre có tiền thân là Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Bến Tre thì “người anh em” Hương Tràm cũng thế. Cả hai đơn vị đều phục vụ nhiệm vụ chính trị và bền lòng vì nghệ thuật cải lương.

Ông Nguyễn Quốc Tín - Trưởng đoàn cải lương Hương Tràm chia sẻ: Đoàn cải lương Hương Tràm tiền thân là Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau, được thành lập năm 1960, phục vụ nghệ thuật cổ vũ cho lực lượng kháng chiến, quần chúng nhân dân, diễn viên ngày xưa cũng là những chiến sĩ cách mạng. Từ thời kỳ kháng chiến cho đến thời kỳ đổi mới, các thế hệ nghệ sĩ của của đoàn luôn mang hết tâm huyết phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa và biên giới, hải đảo. Anh em nghệ sĩ cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp sân khấu cải lương và đạt nhiều thành tích đáng trân trọng. Đặc biệt, trong năm 2012, đoàn được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hàng năm, Đoàn cải lương Hương Tràm phục vụ theo chỉ tiêu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau (120 suất diễn). ngoài nhiệm vụ được giao, đoàn còn phục vụ nhiệm vụ chính trị và các chương trình giao lưu tương tự như hoạt động của Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre. Hai đoàn đều có lực lượng diễn viên trẻ, năng động và nhiệt huyết, được đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng biểu diễn và đổi mới hình thức để thu hút khán giả.

“Được giao lưu biểu diễn tại tỉnh Bến Tre là niềm vinh hạnh cho đoàn, là cơ hội cho anh em nghệ sĩ hai đoàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm biểu diễn lẫn nhau. Dịp này, chúng tôi cũng muốn kết nghĩa với Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre để giữa hai tỉnh Bến Tre - Cà Mau có sự gắn kết lâu dài. Chúng tôi cũng mong muốn Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre sẽ đến tỉnh Cà Mau để phục vụ cho bà con tỉnh Cà Mau”, ông Tín cho biết thêm.

Để lại dấu ấn đẹp

Hai đoàn cải lương đã có hai đêm diễn phục vụ khán giả, trong đó có 1 đêm tại huyện Ba Tri. Đây là cũng hoạt động mang ý nghĩa chào mừng Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh (1-7) sắp tới. Qua đêm diễn tại huyện Ba Tri, nhiều nghệ sĩ của đoàn Cà Mau nhận định, khán giả, bà con ở Bến Tre rất yêu thích loại hình nghệ thuật cải lương. “Bà con ngồi xem trọn chương trình trích đoạn cải lương và vỗ tay tán thưởng, khích lệ nghệ sĩ trong từng câu vọng cổ rất tình cảm. Đến khi đoàn diễn xong, chào tạm biệt khán giả thì bà con mới đứng dậy ra về. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì những tình cảm của khán giả vẫn dành cho nghệ thuật cải lương như thế”, nghệ sĩ Thế Sơn - Đoàn cải lương Hương Tràm bộc bạch.

Để phục vụ khán giả tỉnh Bến Tre, hai đơn vị cũng đã phối hợp với nhau để lựa chọn nội dung, có bài giới thiệu về Cà Mau, có bài giới thiệu về Bến Tre và có sự phối hợp của diễn viên hai bên để biểu diễn. Các trích đoạn cũng được chọn lựa nội dung ca ngợi tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại  xâm. Cụ thể, phía đoàn Bến Tre diễn vở sử “Bạch Đằng Giang dậy sóng”, thì phía đoàn Hương Tràm diễn vở “Chớp biển” nói về những chiến sĩ con tàu không số - Đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Nghệ sĩ Hằng Ny - diễn viên trẻ của Đoàn cải lương Hương Tràm bộc bạch, đây là lần đầu tiên chị được đến Bến Tre biểu diễn. Hai đêm diễn đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng chị, đó là tình cảm của bà con Bến Tre dành cho anh chị em nghệ sĩ rất chân tình, cổ vũ tinh thần rất lớn cho nghệ sĩ trong bước đường lưu diễn. Kế đến là tình cảm của đoàn Bến Tre, rất hòa đồng, nhiệt tình hỗ trợ cho nghệ sĩ của đoàn Hương Tràm, từ chỗ trang điểm, phục trang đến các vấn đề ăn uống, đi lại…

Với nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre, đây cũng là dịp để học hỏi thêm kinh nghiệm từ đoàn bạn. Nghệ sĩ trẻ Quốc Quang cho biết, anh cùng anh em nghệ sĩ của đoàn Bến Tre đã tranh thủ xem phần diễn của đoàn bạn cũng như trao đổi với các đồng nghiệp về kỹ thuật biểu diễn, học hỏi thêm những điểm hay, điểm mới để vận dụng, nâng cao kỹ năng biểu diễn cho mình trong nghề nghiệp. Cuộc hội ngộ nghệ thuật cải lương của Đất mũi Cà Mau và quê hương xứ Dừa Bến Tre còn là dịp để tiếp tục đưa nghệ thuật cải lương đến với giới mộ điệu gần xa.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN