Bác của chúng ta thân thiện, chan hoà, vui vẻ và rất hóm hỉnh. Đối với văn nghệ sỹ, phóng viên báo chí, bao giờ Người cũng thông cảm và tạo điều kiện cho mọi người hoàn thành tốt công việc.
“Tôi còn nhớ rất rõ những ngày mùa thu không thể nào quên cách đây 44 năm khi được vào Phủ Chủ tịch để tạc tượng Bác Hồ. Trước đó, tôi đã được ở nhà Bác để vẽ những bức tranh về cảnh làm việc và sinh hoạt của Bác, nhưng lần được vào tạc tượng Bác, tôi vẫn thấy lòng trào lên sung sướng và xúc động. Cùng đi với tôi có một nhà tạo hình ở nước Cộng hoà dân chủ Đức, anh Diệp Minh Châu và một số người khác”.
Người khiêm tốn, giản dị, vì Đảng, vì dân, chỉ nói về đồng bào, đồng chí chứ không muốn ai "tô son, điểm phấn" lên việc làm của mình. Tuy vậy, do yêu cầu của các nghệ sỹ tạo hình, nên Người đã tạo mọi điều kiện rất thoải mái để anh em chúng tôi làm việc.
Sáng ngày thứ hai, khi chúng tôi đến rất sớm nhưng đã thấy Bác ngồi trong phòng làm việc. Bác bắt tay mọi người, mời mọi người uống trà, rồi Bác đứng dậy, ngồi lên tấm bục gỗ rất chắc mà anh em chúng tôi đã kê từ hôm trước rồi đặt bộ bàn ghế làm việc của Người lên đó cho cao thêm một chút, ngắm Bác cho dễ để tạo hình. Tôi rất hồi hộp, không hiểu "Cụ” sẽ làm gì? Đang im lặng chờ đợi, tôi thấy Bác quay về chỗ anh Diệp Minh Châu:
- Chú Châu, chú Cẩn này, chú có biết thời phong kiến, dân phải xưng với Vua thế nào không?
Anh Châu đang ngơ ngác vì Bác hỏi đột ngột quá. Tôi cũng lúng túng nhưng kịp trấn tĩnh lại.
- Thưa Bác! Cháu không trực tiếp được nghe nhưng được bố, mẹ cháu kể lại, rồi xem chèo, xem tuồng cháu thấy muôn dân đứng trước Vua đều phải quỳ xuống, cúi đầu nói: "Dạ! Muôn tâu bệ hạ ạ!".
Bác cười, gật đầu rồi lại hỏi anh Châu:
- Bác là Chủ tịch nước nhưng Chủ tịch nước do nhân dân bầu ra, làm việc dân, việc nước, cũng là đầy tớ của dân thôi. Các chú đặt bệ để dâng cao bàn, ghế lên, chắc các chú định phong Bác làm vua, làm bệ hạ à?
Bấy giờ, anh Diệp Minh Châu đã trấn tĩnh lại. Anh thay mặt chúng tôi để thưa với Bác.