“Bức tranh kinh tế Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long”

01/10/2021 - 13:40

BDK.VN - Ngày 1-10-2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Chi nhánh Cần Thơ) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Bức tranh kinh tế Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): dự báo kinh tế quý IV-2021 và triển vọng năm 2022”.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh.

Phó chủ tịch VCCI Việt Nam Võ Tân Thành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ tham dự. Điểm cầu tỉnh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận dự.

Hội thảo có trên 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, các chuyên gia kinh tế và Hiệp hội Doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cùng tham dự.

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã và đang diễn ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam rất nghiêm trọng. Dịch bệnh đã buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đình trệ sản xuất và đã ảnh hưởng đến tồn tại, phát triển của DN và kinh tế cả nước. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Số DN rút khỏi thị trường nhiều hơn số DN thành lập mới. Trong 9 tháng năm 2021, cả nước có 117,8 ngàn DN gia nhập thị trường, trong đó, số DN thành lập mới là 85,5 ngàn DN, giảm 13,6%. Cũng trong 9 tháng năm nay, có 90,3 nghìn DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn DN), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất, kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Trong khuôn khổ hội thảo, tại chuyên đề “Nông nghiệp Việt Nam - cơ hội và thách thức trong bối cảnh bình thường mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Nếu chỉ liên kết vùng thôi vẫn chưa đủ mà cần phải thay đổi tư duy xem các tỉnh khu vực ĐBSCL là một thực thể kinh tế chung của 13 tỉnh chứ không phải là 13 mảnh riêng lẻ ghép lại. Hay nói cách khác, cần xem ĐBSCL là một không gian kinh tế rộng lớn.

Thay đổi tư duy thứ hai là từ không gian phát triển đó sẽ tạo nên sự thẩm thấu, động lực để tạo “tam giác phát triển” là thể chế nhà nước, thị trường và xã hội có sự gắn kết chặt chẽ. Thứ ba là chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang tư duy tích hợp đa ngành, liên ngành đa giá trị. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp; nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp tuần hoàn… Đây là những mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ để phát triển kinh tế ĐBSCL trong thời gian tới.

“Để hiện thực hóa cần sự vào cuộc của các tập đoàn lớn có tiềm năng; sự thay đổi của lãnh đạo các địa phương trong khu vực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đàm phán hướng đến xây dựng được hệ thống hạ tầng logistics từng cấp cho nông thôn ĐBSCL…”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin. 

Tin, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN