“Chỉ nghe tiếng… nói mà đem lòng yêu thương”

27/02/2011 - 15:31
Trưởng Đài Truyền thanh Đặng Văn Bảy.

Một giáo viên hưu trí, ở xã Bình Phú (TP Bến Tre), chia sẻ: “Cứ đến giờ Đài Truyền thanh TP Bến Tre phát sóng là tôi thức dậy, vừa nghe thông tin, vừa tập dưỡng sinh, sau đó pha trà, ăn sáng… chuẩn bị bước vào ngày mới. Quen rồi…”. Người có công tạo “thói quen” ấy cho ông và nhiều người dân ở Thành phố là Trưởng Đài Truyền thanh Đặng Văn Bảy.

Nhiều lần gặp nhau ngoài đời, tôi quen gọi tên anh như mọi người trong giới báo chí vẫn gọi là Đặng Bảy. Tôi có thể phác họa chân dung của anh: một người cao, gầy, đôi mắt hiền và có… làn da trắng. Duy chỉ có lòng yêu nghề của anh là tôi không biết “vẽ” như thế nào nên trong bài viết này, tôi cũng xin góp nhặt một số thông tin về cái nghiệp của anh.

Đặng Bảy là một trong số ít người có thâm niên trong nghề báo - 31 năm. Dầu cho sự khởi đầu có chút ngẫu nhiên, tình cờ nhưng suốt thời gian làm nghề, lúc nào anh cũng tâm huyết. Đối với nghề, anh chọn loại hình báo nói. Sau khi được bồi dưỡng ngắn hạn, anh được phân công về Đài Truyền thanh Ba Tri. Huyện biển này cũng là quê hương anh. Đối với tình yêu, anh chọn bến đỗ ở một nơi cách xa hơn 50 cây số - TX Bến Tre (nay là TP Bến Tre). Tuy nhiên, Trưởng Đài truyền thanh Đặng Bảy vẫn đi đi, về về; vẫn tận tâm với con đường đã chọn.

Năm 2004, biết Đặng Bảy xin chuyển về Đài PT-TH Bến Tre, lãnh đạo Thành phố đề nghị Đài “chuyển nhượng” anh, vì lúc ấy Đài Truyền thanh Thị xã (nay là Đài Truyền thanh Thành phố) thiếu người nghiêm trọng. Lúc biết tin, Bảy suy nghĩ lung lắm, nhưng cuối cùng anh không từ chối. Vậy là ngày ngày anh lại miệt mài với nghiệp viết lách… Anh lần lượt được giao chức vụ Quyền Trưởng đài và Trưởng Đài Truyền thanh Thành phố vào năm 2006. Nhớ lại chặng đường đã qua, bao kỷ niệm ùa về trong anh, vui có, buồn có. Nhưng, anh tâm đắc vì mình đóng góp nhiều công sức để xây dựng Đài ngày một vững mạnh. Vốn mặn mà với chủ đề xây dựng Đảng, cũng trong năm 2006, anh xây dựng chuyên mục mới cho Đài là Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, vào thứ ba hàng tuần, những hoạt động, những tấm gương điển hình tiên tiến ở 16 xã, phường của Thành phố được thông tin, giới thiệu đến người dân. Không những vậy, anh và đồng sự còn thực hiện các video clip, phóng sự… theo chủ đề Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để phục vụ cho các buổi hội thảo, tọa đàm, góp phần tăng hiệu quả tuyên truyền và tiết kiệm cho ngân sách Thành phố.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Đặng Bảy là cây bút sắc sảo của báo chí tỉnh nhà. Khi chuyển sang làm công tác quản lý, thời gian dành cho viết lách giảm đi đáng kể, bù lại anh dồn kiến thức và tình yêu nghề vào việc hướng dẫn, kềm cặp phóng viên trẻ, mới vào công tác tại Đài. Trong công việc, anh luôn khắt khe với bản thân và cấp dưới, để hướng đến mục đích tuyên truyền: hiệu quả. Anh thường bảo anh em, viết bài xong hãy đọc lại và tự biên tập, khi thấy ưng ý hãy nộp. Đài có chương trình phát sóng khoảng 20 phút, mỗi ngày phát ba buổi. Thoạt nhìn, có vẻ cán bộ, phóng viên ở đây khá nhàn nhã, nhưng thực tế lại khác. Phương châm của Đặng Bảy là đào tạo một người phải giỏi nhiều việc, biết nhiều việc. Đài hiện có 6 nhân sự, có thể đảm đương các khâu viết lách, quay phim, chụp ảnh… Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị do Thành ủy, UBND Thành phố giao, Đài còn cộng tác thường xuyên với Đài PT-TH Bến Tre, Báo Đồng Khởi. Những cây bút đến từ Thành phố dần trở nên quen thuộc với khán giả, bạn đọc: Quang Khởi, Diễm Phúc, Huỳnh Hoa…

Tôi đã nhiều lần gặp Đặng Bảy, nhưng ấn tượng nhất câu nói của anh đối với nghề: Nhu cầu tuyên truyền ngày càng cao, không có năng lực thì làm sao đáp ứng?! Anh chia sẻ với đồng nghiệp và cũng là cách tự dặn lòng mình, hãy luôn cố gắng để giữ “thương hiệu” trong lòng thính giả, độc giả.

Bài, ảnh: K.M

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN