Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, bài 3

“Chìa khóa” cho sự phát triển bền vững

07/07/2023 - 05:20

BDK - Dừa và các sản phẩm từ dừa được coi là mặt hàng đang có sức bật lớn của nông sản Việt Nam. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là gia tăng năng suất, sản lượng dừa và thu nhập của người trồng dừa, đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dừa; thúc đẩy sự gắn kết và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành dừa. Cụ thể, phát triển gắn kết thị trường nội địa với thị trường nước ngoài. Dừa hữu cơ được xem là “chìa khóa” cho doanh nghiệp (DN) Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung đủ tự tin làm chủ tại “sân nhà” và mạnh dạn “mở cửa” vào thị trường thế giới.

Trưng bày giới thiệu các sản phẩm từ dừa đặc trưng, đạt chuẩn OCOP của tỉnh.

Trưng bày giới thiệu các sản phẩm từ dừa đặc trưng, đạt chuẩn OCOP của tỉnh.

Dừa hữu cơ là “chìa khóa”

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) định hướng đến năm 2030, Việt Nam phát triển quy mô sản phẩm dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ (HC), VietGAP, GlobalGAP...; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho sản phẩm. Trong đó, dừa HC được xem là “chìa khóa” để DN mở cửa xuất khẩu ra thị trường thế giới. Bởi, các nước đều xây dựng hàng rào kỹ thuật, với các tiêu chuẩn sản xuất sạch, nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe. Sản xuất HC là một giải pháp tất yếu để duy trì và phát triển ngành dừa bền vững trong tương lai.

Tại tỉnh, bắt đầu phát triển sản xuất và chế biến dừa HC từ năm 2012 đến nay hơn 10 năm đã đạt được 17.846ha và diện tích đạt chứng nhận 11.418ha theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, Nhật và EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho biết: Do nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chứng nhận HC là cần thiết của DN nên diện tích dừa HC không ngừng phát triển hàng năm mặc dù kinh phí đầu tư cho việc phát triển và quản lý, duy trì tái chứng nhận hàng năm là khá lớn.

“Từ nền tảng liên kết theo chuỗi và vùng nguyên liệu dừa đạt chứng nhận HC, các DN tiếp tục đầu tư những thiết bị, máy móc hiện đại đã có hầu hết những chứng nhận quốc tế để lưu thông trên thị trường thế giới như ISO 22000: 2005, HACCP, HALAL, KOSSHER, BRC, GMP, HC được cơ quan FDA của Hoa Kỳ cấp mã số FDA và SID, công nghệ chế biến UHT... nhiều hơn so với các loại nông sản khác”, ông Huỳnh Quang Đức nhận định.

Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa của Việt Nam đã có mặt gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng đi vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông. Hay nói khác hơn, các sản phẩm dừa của Bến Tre đã đáp ứng những thông lệ quốc tế trên thị trường thế giới.

Riêng dừa uống nước với diện tích trên 15 ngàn ha, bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện tỉnh đã có hơn 5 DN xuất khẩu dừa tươi qua các thị trường Nhật, Singapore, Đài Loan, Úc, Canada... Các DN này đang đầu tư xây dựng mã số vùng trồng để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Hướng tới, tỉnh xác định xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tiến tới xây dựng liên kết vùng với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long nhằm phát triển cây dừa một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với vị trí, vai trò “thủ phủ dừa” của cả nước, Bến Tre cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để sớm đưa mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam được vào danh sách được xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Nâng cao giá trị gia tăng ngành dừa

Đề án Phát triển cây công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cũng đưa ra giải pháp phát triển dừa HC là hình thành các vùng sản xuất dừa HC tập trung, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng mã số vùng trồng.

Phát triển đa dạng các chuỗi HC bằng cách: xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị giữa các DN, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm dừa HC tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với sản phẩm dừa. Khuyến khích các hình thức quy mô HTX, DN, tổ hợp tác, trang trại sản xuất dừa, sản xuất các đặc sản từ dừa có giá trị gia tăng và giá trị truyền thống.

Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị là một trong 5 quan điểm theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các tỉnh có vùng nguyên liệu dừa lân cận như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long cần có sự liên kết trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước để bảo đảm cân đối giữa năng lực sản xuất nguyên liệu dừa trái và năng lực chế biến ngành dừa trong vùng, đặt trong quan hệ cân đối lợi ích của vùng dừa đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng Chương trình phát triển dừa giai đoạn 2022 - 2030. Tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình liên kết ngang và liên kết dọc.

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cũng đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ. Nhóm giải pháp nâng cao giá trị gia tăng ngành dừa là phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP; Phát triển hạ tầng vùng du lịch nông nghiệp; Xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại vùng dừa.

Hỗ trợ các cơ sở, DN Việt Nam thiết kế và vận hành các website giới thiệu cơ sở, DN và các sản phẩm xuất khẩu. Tổ chức đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy trình công nghệ, sở hữu trí tuệ liên quan đến chế biến các sản phẩm dừa. Tổ chức đăng ký và bảo hộ thương hiệu của DN dừa trên phạm vi toàn cầu. Hạn chế tối đa việc đánh cắp thương hiệu, đăng ký thương hiệu không hợp lý, hợp pháp của các DN nước ngoài đối với các sản phẩm dừa Việt Nam.

Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng hợp lý cơ chế kiểm soát việc xuất khẩu dừa, bảo đảm được các nguyên tắc không hạn chế thương mại và cơ chế tự bảo vệ mà WTO cho phép. Việt Nam cần vận dụng các cơ chế kiểm soát, điều tiết các hoạt động của thương nhân nước ngoài thu mua nguyên liệu dừa trên địa bàn mà luật pháp Việt Nam cho phép… Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phải được thực thi kết hợp với theo dõi diễn biến giá nguyên liệu để có những điều tiết kịp thời, tránh tình trạng giá thấp bất lợi cho nông dân trồng dừa.

Các giải pháp vốn tập trung vào cân đối vốn đầu tư trồng mới và cải tạo vườn dừa, cân đối vốn đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ trồng trọt và chế biến, cân đối vốn phát triển nâng cấp công nghệ chế biến.

Theo kết quả điều tra tại 9 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, thu nhập từ trồng dừa bình quân đạt hơn 58 triệu đồng/ha/năm. So với hồ tiêu là 39 triệu đồng, điều là 21 triệu đồng, cà phê là hơn 37 triệu đồng, cao su là gần 39 triệu đồng. Đây là số liệu quan trọng khẳng định ngành dừa có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam và cần được coi như là một lĩnh vực không thể thiếu được trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Khi khai thác được hết chuỗi giá trị, hy vọng ngành dừa Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế phát triển bền vững.

Để bảo đảm ổn định và phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam đến năm 2030, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, các địa phương trồng dừa cả nước kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU...; tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ DN tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định Thương mại tự do.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN