
Bìa quyển “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam”.
Tác phẩm đã tái hiện một cách sinh động, quyết liệt, anh hùng mà thấm đẫm tính nhân văn và đầy trí tuệ; thông qua hoàn cảnh ra đời chân rất thực của các ca khúc nổi tiếng đi vào lịch sử, cùng với những lời bình sâu sắc, tác giả đã khái quát cái hồn, tấm lòng yêu nước, chất thép, sức mạnh động viên tinh thần, tầm vóc và sứ mệnh rất đáng tự hào của những ca khúc Việt Nam. Qua đó tiếp truyền ngọn lửa yêu nước cháy bỏng trong các tác phẩm âm nhạc thời ấy đến các thế hệ nối tiếp, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tác phẩm cũng là một hồi chuông đánh thức nhiều người, nhất là giới trẻ đang say sưa với dòng nhạc “chợ”, mà không cần biết đến vận mệnh của Tổ quốc, một điều hoàn toàn trái ngược với chức năng và sứ mệnh dẩn dắt của một nền âm nhạc lành mạnh, tiến bộ.
Tác phẩm “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” của tác giả Trần Văn Nhiệm. Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ. Ấn phẩm dài 800 trang. Bố cục phần chính gồm 4 chương: Chương 1 - Quá trình ra đời, hình thành âm nhạc mới Việt Nam; Chương 2 - Kháng chiến chống Pháp trong ca khúc Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954; Chương 3 - Chống xâm lăng trong ca khúc thời chống Mỹ (Trong chương này có 1 bài viết về Đoàn Văn công tỉnh Bến Tre); Chương 4 - Nhạc sĩ và tác phẩm tiêu biểu.
Trong phụ lục có mục “Bài hát tham khảo”, tác giả đã chọn lọc ghi lại nhạc và lời của 147 ca khúc nổi tiếng, theo dòng thời gian của lịch sử, từ đầu tiên là bài “Con thuyền không bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, đến cuối cùng là “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao và “Đảng đã cho tôi mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Tác giả Trần Văn Nhiệm (Ba Nhiệm) tên thật là là Trần Văn Bộ, sinh năm 1936, tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tham gia hoạt động cách mạng từ năm mới 16 tuổi tại Trường Trung học tư thục Bình Hòa (Giồng Trôm). Ông từng bị địch truy nã, phải trốn lên Sài Gòn, vừa đi học vừa bí mật hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên ở đây. Năm 1965, ông bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1967, Trần Văn Nhiệm đã cùng 2 bạn tù tổ chức cuộc vượt ngục vô cùng táo bạo và đã nổi tiếng sau này. Trên chiếc thuyền nan mong manh lấy được của địch, sau 2 ngày 3 đêm đối mặt lạnh buốt, đói khát, giữa trời nước bao la, vô tận, muôn trùng sóng gió, những đàn cá dữ và tuần dương hạm của địch bủa vây, ông đã cùng 2 đồng đội dũng cảm, mưu trí vượt qua, an toàn về đất liền, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trần Văn Nhiệm tự nhận mình không phải là người trong giới âm nhạc, cũng không phải người nghiên cứu chuyên môn thuần túy mà chỉ là người hưởng thụ, cảm nhận và hâm mộ dòng ca khúc cách mạng Việt Nam, ông đã hàng chục năm ấp ủ, công phu sưu tập, tỉ mẫn biên soạn, với mong ước góp giữ cho mai sau những tinh hoa của những ca khúc đã góp phần đưa đất nước và dân tộc bước lên vũ đài vinh quang của người Việt Nam sau đại thắng mùa Xuân 1975
Với tấm lòng thiết tha yêu quê hương Bến Tre, được tin Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh sắp được tổ chức, ông Trần Văn Nhiệm đã gấp rút hoàn thành tác phẩm mà nhiều năm thai nghén, kịp in mang về 400 quyển để làm quà tặng cho đại biểu tham dự Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua.
Bài, ảnh: Vũ Hồng Thanh