Đã từ lâu, 4 từ: “điện, đường, trường, trạm” luôn đi chung với nhau bởi nhiều lý do. Khi phân tích từng từ một sẽ thấy rõ ý nghĩa hơn.
Có điện để phát triển sản xuất, để cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Đường để đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện, nhanh chóng. Trường để học, để mở mang kiến thức, để không bị “tụt hậu”. Trạm - trạm y tế, để chăm sóc sức khỏe cho mọi người tốt hơn, để lao động, để sống tốt hơn. Đặc biệt trong thời gian hiện nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đang là cao trào, đi đâu, làm gì, chúng ta cũng dễ dàng nghe thấy cụm từ “xây dựng xã nông thôn mới”.
Bốn yếu tố trên cũng là những tiêu chí thiết yếu trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng, người dân khắp nơi trong tỉnh hưởng ứng rất nhiệt tình phong trào này. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan có thể “dân làm” nhưng “dân thụ hưởng” chưa trọn vẹn. Cử tri Trần Văn Dũng, ấp Thạnh Trị Thượng, xã Mỹ Hưng (Thạnh Phú) phản ánh: “Gia đình tôi và một số người dân đã đóng tiền hạ thế nhưng đến nay, vẫn chưa có điện vào nhà để sử dụng, do đa số người dân ở ấp là dân nghèo, không có khả năng đóng thêm chi phí đường dây từ trụ đồng hồ điện vào nhà. Kiến nghị Công ty Điện lực Bến Tre xem xét”.
Ông Trần Minh Tâm - Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre trả lời: Công ty có trực tiếp đến gặp ông Trần Văn Dũng - Bí thư Chi bộ ấp để xác minh thực tế và ghi nhận kết quả như sau: hiện nay, gia đình ông Dũng đang sử dụng điện Trạm T 5 xã Mỹ Hưng, thời gian hộ ông sử dụng điện khi còn Công ty cổ phần điện Thạnh Phú quản lý. Khi đó, các hộ dân đã đóng tiền cho địa phương để đầu tư lưới điện hạ thế. Các hộ dân trong ấp đề nghị Công ty khảo sát di dời điện kế sang lưới điện mới, do Sở Công Thương đầu tư, đã được Điện lực khảo sát (ngày 3-7-2013) và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân (ngày 3-7-2013) để giải đáp ý kiến của các hộ dân trong khu vực này, đồng thời thông báo số tiền chiết tính di dời. Trong buổi họp, các hộ dân đề nghị Điện lực xem xét hỗ trợ một phần chi phí di dời. Sau đó, ngày 17-7-2013, Điện lực và chính quyền xã Mỹ Hưng đã thống nhất lại chi phí di dời. Vào ngày 26-7-2013, Điện lực Thạnh Phú (Công ty Điện lực Bến Tre) đã gửi 32 bản chiết tính đến UBND xã Mỹ Hưng và các hộ dân. Ngày 5-8-2013, có 30 hộ dân đến đóng tiền di dời điện kế (còn 2 hộ chưa đóng). Các hộ đã đóng tiền xong, Điện lực Bến Tre thực hiện di dời trong ngày 7-8-2013. Riêng hộ ông Trần Văn Dũng không có đề nghị Điện lực di dời điện kế.
* Cử tri xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho Trường THCS Thạnh Hải để phục vụ cho năm học 2013-2014 tốt hơn.
- Ông Lâm Kiến Thiết - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời: Trường THCS Thạnh Hải được xây dựng năm 1999, qua thời gian sử dụng cơ sở vật chất đã cũ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hiện trạng cơ sở của Trường vẫn đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2013-2014. Theo Công văn 1084/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường này đã được ghi vào danh mục đề nghị về Bộ, và hiện đang trình Chính phủ xem xét. Nếu danh mục các công trình của tỉnh được phê duyệt, Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét ưu tiên đầu tư sớm cho Trường.