Đến Bệnh viện Đa khoa Châu Thành (Châu Thành), ấn tượng đầu tiên với tôi là âm thanh gọi tên bệnh nhân phát ra từ loa phóng thanh ở khu khám bệnh và sự trật tự ở đây, dù bệnh nhân đến rất đông.
Nhưng sự chỉn chu này không phải chỉ với khu khám ngoại trú mà ở hầu hết các khâu khác của bệnh viện. Theo Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Lê Thị Duyên Thắm, thành quả này được kết tinh từ chính ý thức làm tốt hơn công việc thường nhật của mỗi cán bộ, nhân viên, là kết quả của quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Bệnh viện Đa khoa Châu Thành được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Châu Thành chọn làm điểm triển khai cuộc vận động. Như lời bác sĩ Duyên Thắm, ban đầu, bệnh viện cũng không biết phải làm gì để gọi là học theo gương Bác; nhưng với sự hỗ trợ thường xuyên của Ban Chỉ đạo huyện và chính cách tổ chức nghiêm túc, đảm bảo đúng trình tự các bước, cụ thể hóa thành phong trào thiết thực của bệnh viện nên việc tổ chức học tập và làm theo gương Bác đạt hiệu quả theo yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các chuyên đề theo nội dung của từng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động của bệnh viện còn phát động các phong trào thi đua, hội thi kể chuyện về đạo đức của Bác… Mỗi lần tổ chức hội thi, những câu chuyện về Bác được các thí sinh là nhân viên, y bác sĩ trình bày mạch lạc, súc tích, gây xúc động và thu hút được sự quan tâm của cán bộ, công chức. Nhằm giúp cho cán bộ, công chức thực hiện tốt hơn trong giao tiếp với người bệnh, Ban Chỉ đạo còn lồng ghép vào hội thi những tình huống xảy ra hàng ngày tại đơn vị để thí sinh ứng xử. Sau cuộc họp chi bộ hàng tháng, các đảng viên luân phiên kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác cùng những bài học rút ra từ câu chuyện này và sau đó được phát trên hệ thống loa phát thanh trong toàn đơn vị.
Cuộc vận động Học tập và làm theo gương đạo đức của Bác đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện, nhất là tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Giám đốc Lê Thị Duyên Thắm vui mừng về nội bộ Ban Giám đốc, các khoa, phòng của bệnh viện đều gắn kết chặt chẽ. Qui chế dân chủ được thể hiện rất rõ khi mọi người đều có cơ hội thuận tiện để đóng góp ý kiến của mình cho sự phát triển của đơn vị. “Nhiều lần bệnh viện tiếp nhận cùng lúc hàng trăm cas ngộ độc thực phẩm, phải huy động toàn bộ lực lượng. Nếu không có sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ y, bác sĩ thì khó mà đảm đương được nhiệm vụ. Hơn nữa, bệnh viện thiếu bác sĩ nên cas trực có khi không đúng chuyên khoa. Dù vậy, nếu có trường hợp cấp cứu cần đến chuyên khoa thì đồng nghiệp luôn sẵn sàng vào bệnh viện hỗ trợ. Chúng tôi thật sự là một đại gia đình, luôn hết lòng phục vụ để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân” - bác sĩ Thắm chia sẻ.
Không chỉ có sự thay đổi trong mối quan hệ công việc, việc đăng ký làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã tác động tích cực, tạo ra nhiều gương điển hình với cách làm hay, việc làm hiệu quả, thiết thực, đặc biệt là phong trào cải tiến phương pháp, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ. Bác sĩ Bùi Thị Duyên đã thành công với cách tổ chức khám và quản lý bệnh tiểu đường hàng tuần tại khoa khám. Trong khi các bệnh viện tuyến huyện khác chưa tổ chức được điều này thì Bệnh viện Đa khoa Châu Thành hiện đã tổ chức quản lý hơn 150 bệnh nhân bệnh tiểu đường. Bác sĩ Bùi Thị Duyên cho biết, việc điều trị bệnh tiểu đường không đơn thuần uống thuốc là hết. Đó phải là một quá trình nghiêm ngặt, tuân thủ dùng thuốc đúng cách, đúng thời điểm, kết hợp tiết chế ăn uống, tập thể dục, có thể tự theo dõi đường huyết tại nhà. “Tổ chức quản lý bệnh nhân tiểu đường là cách để bà con trong huyện không phải đi xa, không phải tốn kém nhiều nhưng vẫn được theo dõi, chăm sóc, điều trị tốt. Đây chính là niềm hạnh phúc của tôi, vì lương tâm của người thầy thuốc, vì tôi đã học được lời dạy của Bác” - bác sĩ Duyên bộc bạch.
Dược sĩ Nguyễn Văn Tùng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn của mình, anh còn thực hiện và vận động các thành viên trong khoa Dược - nơi anh làm trưởng khoa, cùng sửa đổi cách làm việc sao cho hiệu quả hơn. Tin học không phải là chuyên môn chính, nhưng dược sĩ Tùng đã tự mày mò nghiên cứu cách ứng dụng tin học nhằm thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm tại bệnh viện. Thành quả của dược sĩ Tùng là phần mềm “Quản lý dược, quản lý bệnh nhân ngoại trú” được áp dụng không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa Châu Thành mà còn được nhân rộng ở 6 bệnh viện khác trong tỉnh như: Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Hàm Long, thành phố Bến Tre và 5 trạm y tế trong huyện Châu Thành. Nét nổi bật của việc ứng dụng phần mềm này là đã góp phần tiết kiệm đáng kể về nhân lực và thời gian, tiết giảm công đoạn làm việc của cán bộ y tế và đặc biệt là giảm thời gian chờ đợi, tạo được sự hài lòng của bệnh nhân. Hiện, dược sĩ Tùng đang theo lớp đại học chuyên ngành dược. Dù vậy, trong năm 2010 anh vẫn tranh thủ thời gian lập trình và đưa vào ứng dụng chương trình: Quản lý bệnh nhân nội trú, Quản lý thu viện phí. Tùng không giấu giếm: “Tôi đã học tấm gương cần cù vượt khó, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, sửa đổi lề lối làm việc và đặc biệt là ý thức trách nhiệm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác”.
Ở Bệnh viện Đa khoa Châu Thành, không phải chỉ có bác sĩ Bùi Thị Duyên, dược sĩ Nguyễn Văn Tùng mà bệnh viện đã có 39 lượt gương người tốt việc tốt, 348 lượt cá nhân xuất sắc, 38 lượt tập thể điển hình và có 2 gương cá nhân và tập thể đơn vị được cấp trên khen thưởng - qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.