|
Dưa hấu ở cồn Bửng. |
Tuy chưa so được với các huyện đang phát triển mạnh về du lịch như Châu Thành, Chợ Lách, nhưng huyện Thạnh Phú hiện nay cũng có nhiều tiềm năng du lịch, đang dần dần thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Nói về con đường du lịch ở Thạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bích cho biết: “Tuy Thạnh Phú nằm ven biển, cách xa trung tâm tỉnh Bến Tre, nhưng có nhiều di tích, nhiều làng nghề và cảnh quan có khả năng thu hút khách du lịch. Huyện ủy - UBND huyện định hướng đưa con đường du lịch ở Thạnh Phú theo hướng gắn với các làng nghề; tận dụng địa hình, cảnh quan môi trường sẵn có do thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch sinh thái”.
Ngược dòng lịch sử, vào thời chúa Nguyễn (khoảng năm 1757), vùng đất Thạnh Phú thuộc tổng Tân An, châu Định Viễn, phủ Gia Định. Năm 1808, tổng Tân An được thăng thành phủ Tân An, thuộc châu Định Viễn, Gia Định thành; đến năm 1823, đổi thành phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh gồm 2 huyện: Bảo An (cù lao Bảo) và Tân Minh (cù lao Minh). Năm 1867, thực dân Pháp chiếm miền Tây Nam bộ, thành lập tỉnh Bến Tre gồm cù lao Bảo và cù lao Minh, huyện Thạnh Phú thuộc cù lao Minh. Thạnh Phú có tên trên bản đồ từ đó đến nay. Thạnh Phú có bờ biển dài 25km, bãi biển của huyện luôn được bồi đắp, ven sông, ven biển Thạnh Phú thường có những dải rừng ráng, chà là, dừa nước, bần, mắm, đước, vẹt… bên trong những dải rừng có các loài chim: cò, diệc, vạc, cồng cộc, sáo, nhồng, cưỡng… tạo thêm sự đa dạng về sinh thái.
Về Thạnh Phú, điểm đến đầu tiên của du khách có thể là nhà cổ của ông Hương Liêm ở xã Đại Điền. Nhà được dựng lên với 48 cây cột bằng gỗ lim và căm xe quý hiếm, mỗi cây cột có chu vi khoảng 1,2m, được chạm khắc, cẩn chữ, hoa văn bằng ốc xà cừ. Bức hoành phi bằng gỗ quí sơn son thếp vàng đề 4 chữ “hiếu, để, trung, tín”. Nền nhà cao 1m, viền bọc nền bằng những khối đá xanh dài khoảng 2-3m, trông rất cổ kính. Cũng trên địa bàn xã Đại Điền, tại trung tâm xã còn có bia lưu niệm nơi làm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy”. Người dân Đại Điền khéo tay làm nên những chiếc bánh dừa từ những hạt nếp dẻo, thơm với tên gọi nổi tiếng: bánh dừa Giồng Luông, du khách có thể mang về làm quà, cũng có thể là một thứ lương khô cho chuyến hành trình với nhiều điều lý thú.
Hàng cây dầu, sao ở xã Phú Khánh.
Đến với Thạnh Phú, nếu muốn tham quan những làng nghề truyền thống, du khách có thể ghé qua làng nghề sản xuất lu bằng xi-măng ở xã Hòa Lợi. Làng nghề này sản xuất lu chứa nước với chất liệu bằng xi-măng, được hình thành vào năm 1961 do ông Tư Thì đi học nghề ở Trà Vinh đem về. Hiện, Hòa Lợi có hàng trăm hộ khá giàu nhờ sản xuất lu bằng xi-măng, sản phẩm của họ bán đến tận Campuchia. Hay đến với Mỹ Hưng, du khách tham quan, tìm hiểu về nghề chằm nón, tận mắt chiêm ngưỡng sự khéo léo của phụ nữ Mỹ Hưng. Kề cận Mỹ Hưng, sang Mỹ An, các bạn được đưa đến làng nghề bó chổi, một nghề “làm chơi mà ăn thiệt”. Tại đây, du khách sẽ tận mắt thấy sự nhanh nhẹn của “siêu sao bó chổi”, em Nguyễn Văn Tốt, 15 tuổi; từ 5 giờ 30 phút sáng đến 6 giờ chiều, em Tốt bó được 105 cây chổi.
Cũng là một trong những tiềm năng du lịch của Thạnh Phú, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, xung quanh là những mương nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa. Nuôi tôm xen ruộng lúa là mô hình nổi bật ở Thạnh Phú đem lại thu nhập khá ổn định cho nông dân. Trên những mương tôm này, du khách có thể dừng lại xin ý kiến chủ ruộng lúa để ngồi câu tôm, hòa mình với thiên nhiên, thư thả tâm hồn.
Theo QL57, du khách về xã biển Thạnh Hải, tại cồn Bửng, những năm qua người dân đã lập đền thờ hai con cá Ông, mỗi con dài từ 22 đến 24m, nặng hàng chục tấn. Đây cũng là điều kiện để học sinh – sinh viên tìm hiểu về loài động vật có vú ở dưới biển. Hàng năm, cứ vào ngày lễ hội Nghinh Ông có hàng ngàn lượt du khách đến với cồn Bửng. Cũng tại cồn Bửng, dưa hấu xứ biển ngọt thanh được trồng quanh năm, sẵn sàng phục vụ du khách. Sau khi tham quan cồn Bửng, du khách đến xã Thạnh Phong, tại đây, lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã ghi lại những lần bộ đội miền Nam vượt biển từ xã Thạnh Phong ra thủ đô Hà Nội để báo cáo với Trung ương Đảng, với Bác Hồ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Lần vượt biển đầu tiên vào đầu tháng 4-1946, lần thứ hai vào ngày 1-6-1961. Từ hai sự kiện thành công này, Trung ương quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Đầu cầu tiếp nhận vũ khí tại xã Thạnh Phong, gồm: Vàm Khâu Băng, cồn Bửng (hiện nay thuộc xã Thạnh Hải), cồn Lợi, cồn Lớn, địa điểm di tích này du khách trong và ngoài tỉnh có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy đều thuận tiện.
Nếu nghỉ đêm ở Thạnh Phong vào mùa ba khía hội, du khách có thể đi theo những người lành nghề bắt ba khía. Vào những đêm tối, trời yên biển lặng, ba khía rời hang, chúng bám dày đặc vào thân cây mắm, cây cóc hay bò trên những bãi bùn ven bờ rạch, du khách tha hồ bắt ba khía. Hoặc theo người dân, du khách ngồi trên những chiếc ghe nhỏ để len lỏi theo những con rạch sâu trong rừng mắm, rừng cóc, rừng đước… lắng nghe những bản hòa tấu của các loài chim ăn đêm, sẽ là những thú vị trong một chuyến du lịch về vùng đất biển Thạnh Phú.
Tiềm năng du lịch sinh thái Thạnh Phú rất đỗi dồi dào. Rồi đây “cùng chị, cùng em”, những tour du lịch đến tận “Đường Hồ Chí Minh trên biển” sẽ nối dài những nẻo du lịch Bến Tre.