“Cửa hàng nông sản an toàn”

21/12/2018 - 07:58

Nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản; đồng thời, từng bước đưa hoạt động kinh doanh nông sản sạch phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, đầu năm 2018, Sở Công Thương đề xuất chủ trương thực hiện mô hình thí điểm “Cửa hàng nông sản an toàn” và đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương triển khai.

Thúc đẩy kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Thí điểm từ hai cửa hàng

Sau thời gian thực hiện các “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm” thu về kết quả khá khả quan, bên cạnh việc xây dựng các quầy hàng kinh doanh thực phẩm tại chợ đúng chuẩn theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao phong cách phục vụ văn minh thương mại, các mô hình này cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của các tiểu thương, hộ kinh doanh về bảo quản thực phẩm, đặc biệt là không sử dụng hàn the, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng tươi sống và đều phải đạt yêu cầu cho phép của Bộ Y tế…

Việc tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. Để có cơ sở lựa chọn xây dựng các điểm bán hàng nông sản sạch, từ lúc bắt đầu, Sở Công Thương đã đưa ra các tiêu chuẩn lựa chọn điểm đảm bảo hàng nông sản kinh doanh tại cửa hàng đều là nông sản sạch, an toàn, có giá cả hợp lý do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín sản xuất, phân phối và kinh doanh… Để đảm bảo hiệu quả lâu dài của mô hình, các cửa hàng tham gia cũng được yêu cầu có sự duy trì và phát triển bền vững lâu dài, ít nhất từ 5 năm trở lên. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan với doanh nghiệp, cơ sở tham gia xây dựng cửa hàng nông sản an toàn trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối sản phẩm nông sản an toàn cố định và bền vững, thúc đẩy đưa nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng.

Qua thời gian khảo sát, lựa chọn một số điểm tại các huyện, thành phố, Sở Công Thương đã chọn thực hiện mô hình tại cửa hàng trưng bày sản phẩm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm của các dự án, đề tài khoa học công nghệ như: nấm linh chi, rượu linh chi, trà thảo mộc, đông trùng hạ thảo, gạo sạch…

Điểm thứ hai là cửa hàng của hộ kinh doanh Huỳnh Tấn Phú, ấp 10, thị trấn Thạnh Phú với dự kiến kinh doanh các sản phẩm nông sản của địa phương như rau màu, thủy hải sản sạch… Nguồn hàng cung ứng tại các cửa hàng đều được xác nhận có xuất xứ rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc, có bao bì, nhãn hiệu khá bắt mắt, đáp ứng các tiêu chí về văn minh thương mại, đảm bảo về số lượng và chất lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường; niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; phong cách phục vụ và trưng bày hàng hóa chuyên nghiệp, khoa học…

Tham gia thực hiện thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn”, các cửa hàng được hỗ trợ và có vốn đối ứng bằng các thiết bị hiện có tại cửa hàng như: bảng hiệu, trang thiết bị quầy, kệ, tủ lạnh và được hỗ trợ quảng bá trên các phương tiện truyền thông.

Việc xây dựng mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” còn góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cho các cửa hàng tiếp cận khách hàng thuận lợi hơn, tạo thói quen để khách hàng, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc truy xuất nguồn gốc nông sản, tiếp cận với phương pháp sản xuất nông sản mới, thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó ổn định sản xuất, phát triển bền vững…

Góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa

Theo Sở Công Thương, việc thực hiện thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa thực phẩm cung ứng cho cửa hàng; tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình thí điểm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc được kết nối với các điểm sản xuất, kinh doanh nông sản sạch cũng là điều mà người làm chủ các cửa hàng mong muốn bởi việc tìm nguồn hàng sạch cũng là vấn đề nhiều nan giải hiện nay.

Mô hình thí điểm cửa hàng nông sản an toàn tại cửa hàng Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ.

Mô hình thí điểm cửa hàng nông sản an toàn tại cửa hàng Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ.

Thực tế cho thấy, trước khi Nhà nước có chủ trương về thực hiện các mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hay mô hình cửa hàng nông sản an toàn, nhiều chỉ tiêu như: an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận, mua sắm trang thiết bị bảo quản hàng hóa… không được các cửa hàng quan tâm đầu tư đúng mức, nhưng sau khi tham gia thực hiện mô hình, các chỉ tiêu trên được quan tâm nhiều hơn. Đáng chú ý là cửa hàng trưng bày sản phẩm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ gần như đạt các tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo đó, cửa hàng cũng kinh doanh thuận lợi hơn, người tiêu dùng biết đến các sản phẩm của cửa hàng nhiều hơn, doanh thu dần được cải thiện do người dân ngày càng nhận thức đúng về việc mua hàng hóa ở cửa hàng có bảo chứng về thương hiệu sẽ yên tâm hơn…

Dù việc thực hiện thí điểm mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” đã cho thấy những triển vọng bước đầu, tuy nhiên, nếu chỉ hình thành vài điểm bán thì hiệu quả tuyên truyền, phân phối và khuyến khích sử dụng nông sản an toàn chưa cao. Do đó, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ nỗ lực xây dựng thêm nhiều cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố trong tỉnh.           

Để mô hình “Cửa hàng nông sản an toàn” phát triển bền vững và được nhân rộng ngày một nhiều hơn, sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người tiêu dùng có thể nhận diện biển hiệu, nhận biết cửa hàng bán nông sản an toàn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng để sản phẩm chất lượng, an toàn khẳng định được giá trị trên thị trường và phát triển bền vững theo đúng chuỗi giá trị. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu kinh doanh nông sản sạch trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bảo đảm an toàn thực phẩm, Sở Công Thương cũng sẽ thường xuyên tập huấn đào tạo cho quản lý các cửa hàng, doanh nghiệp về an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh nông sản; giám sát chất lượng an toàn hàng nông sản tại các chợ đầu mối, cơ sở chuyên kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông sản không bảo đảm an toàn theo quy định... Các lực lượng chức năng cũng cần xử lý triệt để việc kinh doanh, buôn bán hàng nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ dọc theo các tuyến đường, vỉa hè; đồng thời, rà soát quỹ đất còn trống, nhất là các tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định, đảm bảo quản lý được các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể nói, việc xây dựng thành công mô hình “cửa hàng nông sản an toàn” là quyết tâm chung của các cấp lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố để hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cho người dân trong tỉnh được sử dụng nguồn thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm…

 Bài, ảnh: Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích