“Dân vận khéo” - Cần đổi mới cách nghĩ, cách làm

14/11/2010 - 16:29

Thời gian qua, phong trào xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Giồng Trôm là một trong những nội dung trọng tâm của phong trào thi đua trong hệ thống chính trị, góp phần vận động quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hưởng ứng phong trào này, từ năm 2008 đến nay, Ban Dân vận Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 51 mô hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực như: xóa nghèo bền vững, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, giải phóng mặt bằng, xây dựng giao thông nông thôn…

Ấp 4, xã Bình Hòa có mô hình “Xóa nghèo bền vững”. Toàn ấp có 512 hộ, trong đó có 36 hộ nghèo. Qua một năm thực hiện mô hình, đến nay, có 15/36 hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm 2010. Để đạt được kết quả này, ngoài sự đồng lòng, đồng sức của xã hội, còn có vai trò cá nhân của Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban vận động Châu Văn Thiết. Bằng sự nhiệt tình, uy tín và cả ý thức trách nhiệm, ông đã vận động từng hộ nghèo cố gắng phấn đấu vươn lên, hộ khá, giàu giúp đỡ hộ nghèo bằng những việc làm thiết thực như: giúp cây, con giống, hỗ trợ vốn từ nhiều nguồn…

Mô hình vận động nhân dân hiến đất làm đường giao không bồi thường thiệt hại của ấp Giồng Chùa, xã Tân Lợi Thạnh cũng là một điểm sáng. Là một ấp vùng sâu, giao thông khó khăn, đời sống kinh tế còn khó khăn, thu nhập thấp, hộ nghèo chiếm 14,96%, nhưng ấp đã vận động nhân dân xây dựng con lộ dài 1.350m, rộng 2m (nhân dân đóng góp trên 50 triệu đồng và 1.700 ngày công lao động). Điều đặc biệt là qua mô hình này, có 22 hộ tự nguyện đăng ký hiến đất và hoa màu không cần bồi thường với diện tích 2.700m2, trong đó có hộ nghèo và chính sách như: hộ ông Bảy Khỏe, ông Ba Hiên và ông Hai Chặt; hộ ông Hồ Văn Thức và bà Hồ Thị Út Em hiến hơn 200m2 đất.

Từ phong trào cho thấy, mô hình “Dân vận khéo” là một trong những giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thiết thực và hiệu quả nhất. Thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã tác động tích cực, hiệu quả trong các lĩnh vực, góp phần củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng chất lượng hơn, nhất là đối với cơ sở.

Tuy nhiên, phong trào thi đua dân vận khéo vẫn còn những hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Một số ít cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào; nhận thức về nội dung phong trào chưa đầy đủ, sâu sắc. Việc triển khai, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, chưa sâu sát và có nơi còn lúng túng. Một số ít trưởng khối vận cơ sở chưa làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong việc cụ thể hóa hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện phong trào ở địa phương, đơn vị mình quản lý. Một số địa phương lựa chọn mô hình còn chung chung, dàn trải; chưa làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình.

Để thực hiện có hiệu quả và thiết thực hơn công tác vận động quần chúng, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể cần tiếp tục học tập, quán triệt, tuyên truyền nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận của Đảng; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào Thi đua dân vận khéo, nhất là việc nhân rộng các điển hình, nhằm góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ban Dân vận, cấp ủy từ huyện đến cơ sở cần cụ thể hóa các nội dung hướng dẫn, các tiêu chí của cấp trên phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của đơn vị, địa phương bằng nhiều cách sáng tạo, linh hoạt hơn; đồng thời, chú trọng sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm những cách làm hay.

Huỳnh Ngọc Bích

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN