“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”

04/12/2011 - 16:33
Thầy giáo Phạm Thành Nhân.

Qua hơn 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Cuộc vận động), Bến Tre đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, đơn vị điển hình trong học tập và làm theo lời Bác. Trong đó, có thầy giáo trẻ Phạm Thành Nhân - Hiệu phó Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc).

Tiếp xúc với chúng tôi là một thanh niên cao ráo, với tác phong nhanh nhẹn. Năm 2006, khi vừa nhận nhiệm sở tại trường, anh đã được phân công phụ trách công tác Đoàn. Đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai thực hiện Cuộc vận động. Căn cứ điều kiện hiện tại, chàng Bí thư Đoàn trường đã nhiều phen trăn trở tìm hướng đi thích hợp cho hoạt động đoàn của nhà trường và thực hiện Cuộc vận động. Cơ sở vật chất của trường sau nhiều năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số học sinh chưa có ý thức tích cực trong phong trào, hoạt động của trường. Bản thân anh vừa đứng lớp giảng dạy, vừa kiêm nhiệm công tác Đoàn lại chưa có kinh nghiệm...

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, thầy giáo Thành Nhân cứ “bám sát” theo những thầy cô giáo lâu năm, những cựu bí thư Đoàn để học hỏi kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Anh nhận thấy rằng do điều kiện khó khăn, học sinh của trường chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận công nghệ thông tin (Internet) nên anh đã mạnh dạn xây dựng diễn đàn học tập trên mạng. Với những nội dung phản ánh các hoạt động trong và ngoài nhà trường, diễn đàn đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia (có cả cựu học sinh). Diễn đàn có chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giới thiệu các bài viết về cuộc đời và sự nghiệp cũng như những mẩu chuyện về đạo đức sáng ngời của Bác và các điển hình tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động. Bên cạnh diễn đàn, chương trình phát thanh học đường (mỗi tuần hai lần) - là nhịp cầu giúp Đoàn trường thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gương người tốt việc tốt… Đây là những nguồn tài liệu quan trọng giúp đoàn viên, học sinh trường “học tập” từ đó có cơ sở để “làm theo” lời Bác. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ về “cần, kiệm”, anh Thành Nhân đã phát động phong trào tiết kiệm giấy vụn để bán ve chai, góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí cho các hoạt động chung, được sự ủng hộ tích cực của tập thể nhà trường.

Từ những chương trình, hoạt động của Đoàn trường và những công việc của thầy giáo trẻ Phạm Thành Nhân mà đoàn viên, học sinh trường ngày càng có ý thức, tích cực thi đua học tập, rèn luyện đạo đức, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi. Hàng năm, chất lượng học tập và hạnh kiểm của học sinh không ngừng nâng lên. Xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình trong Cuộc vận động, như: Mai Ngọc Sơn, Phan Duy Cảnh được tuyên dương cấp tỉnh về điển hình “Thanh niên sống đẹp”, Dương Thị Hoàng Nương đoạt giải thưởng Lý Tự Trọng - giải thưởng dành cho học sinh THPT của Trung ương Đoàn… Đoàn trường đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc nhiều năm liền. Riêng bản thân anh Phạm Thành Nhân đã vinh dự đại diện cho đoàn viên khối trường học của tỉnh dự Đại hội Đoàn toàn quốc khóa IX, là một trong 37 cá nhân được tuyên dương điển hình tiên tiến tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tỉnh Bến Tre,…

Tháng 9-2011, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh Phạm Thành Nhân đã được tập thể nhà trường tín nhiệm giao trọng trách Phó Hiệu trưởng. Nhận xét về Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hảo cho biết: “Thầy Thành Nhân là một cán bộ trẻ tận tâm, đầy nhiệt huyết. Nhà trường có được nhiều thầy - cô giáo như vậy thì sự nghiệp “trồng người” của địa phương chắc chắn sẽ gặt hái thành tựu”.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN