Nơi “về
nguồn” lý tưởng…
Mỗi năm, Bến Tre đón hàng chục ngàn lượt
khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan các di tích. Theo Trung tâm Xúc tiến du
lịch, họ chủ yếu đi theo đoàn, dạng khách về nguồn, ngoại khóa… Và những người
đang thuyết minh ở các di tích là “nhịp cầu” đưa những thông tin về lịch sử, xã
hội, văn hóa đến cho du khách, đồng thời làm cho du khách có cảm tình, hiểu biết
sâu sắc hơn về đất và người Bến Tre.
Cuối tuần qua, đến di tích Đồng Khởi (Mỏ Cày
Nam), tôi có dịp hòa chung niềm vui “lễ kết nạp đảng viên mới” với các anh chị
đến từ Đảng bộ Phường 15, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Lời tuyên thệ hôm ấy như được
tiếp thêm “lửa”, được hun đúc thêm bởi lòng tự hào về truyền thống cách mạng
khi trực tiếp đứng trên mảnh đất được mệnh danh “chiếc nôi Đồng khởi”.
Tôi cũng không thể nào quên dòng cảm xúc của
những người về thăm Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (Giồng Trôm) trong
ngày 1-5-2016. “Kính thưa cô Ba! Hôm nay, gia đình chúng con đến viếng khu lưu
niệm, chúng con muốn cho các cháu (mặc dù các cháu còn rất nhỏ) hiểu được những
hy sinh to lớn và gian khổ mà cô Ba đã cống hiến cho dân tộc nói chung và đồng
bào miền Nam nói riêng có được ngày độc lập và thống nhất” - Tiến sĩ Quang
Minh, tỉnh Bình Dương. Từ lòng cảm phục đó, không ít du khách đã tự hứa: “Chúng
con xin hứa sẽ sống và làm việc tốt hơn, dù đó là việc lớn hay nhỏ để xứng đáng
là con cháu cô Ba Định” - đoàn công tác Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh.
Có thể nói, các di tích lịch sử, kiến trúc
nghệ thuật, danh lam thắng cảnh vừa là đối tượng khai thác của du lịch cũng là
nguồn lực lâu dài phục vụ cho ngành du lịch phát triển. Vì thế cần có sự đầu tư
thích đáng, để vừa nghiên cứu khai thác vừa bảo tồn lâu dài vốn quý của dân tộc
mà du lịch được thừa hưởng trực tiếp.
… Và bảo
tồn giá trị truyền thống
Các ngày lễ hội truyền thống văn hóa và cách
mạng hàng năm của tỉnh như: lễ hội 1-7 tại Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, lễ hội
17-1 Ngày Bến Tre Đồng khởi tại Di tích Đồng Khởi là dịp thu hút khách tham
quan và tuyên truyền giá trị lịch sử văn hóa của di tích đến với quần chúng
nhân dân.
Bên cạnh đó, để giới thiệu các di tích và
danh nhân của tỉnh nhà đến với mọi tầng lớp nhân dân trong, ngoài tỉnh, Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch đã cho xuất bản sách “Di tích lịch sử văn hóa Bến
Tre”, “Bến Tre bảo tồn và phát huy di sản văn hóa”. Phát hành tờ bướm với nội
dung, hình ảnh phong phú thể hiện những nét đặc trưng nhất của các di tích để tạo
sự hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhân dân. Đồng thời để tạo sự sinh động,
thu hút khách đến tham quan tìm hiểu sâu về di tích, Ban Quản lý di tích tổ chức
trưng bày, triển lãm tại các di tích hàng trăm hình ảnh, tư liệu, bảng trích và
hiện vật gốc.
Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy các di
tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Một mặt do nhận
thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lịch sử của một số cán bộ và nhân dân
chưa sâu rộng mà cũng không đồng đều, mặt khác do kinh phí có hạn. Bên cạnh đó,
trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì sức ép và yêu cầu bảo vệ,
phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng lớn. Ông Trần Văn Nghĩa - Tổ
trưởng Tổ quản lý Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu thổ lộ: “Hơn 20 năm gắn bó với
khu di tích cụ Đồ Chiểu, tôi có nhiều ý tưởng để thu hút sự thích thú của khách
khi đến tham quan như làm các mô hình tái hiện cuộc đời, nhân vật trong tác phẩm
của cụ nhưng không thực hiện được vì không có kinh phí. Thông thường du khách
lưu lại khoảng 1 giờ rồi đi, tại huyện chưa có một điểm dừng chân, lưu trú, khu
vui chơi nào có thể giữ chân khách”.
Đối với Chợ Lách, hiện không có di tích cấp
quốc gia, cấp tỉnh. Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử
- văn hóa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 đã có,
nhưng vốn thực hiện cho các di tích cấp tỉnh chủ yếu là xã hội hóa nên phải đợi
vận động đủ kinh phí mới làm. Không ít người từng đau lòng biết mấy khi đi
ngang qua nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Chợ Lách (thuộc xã Phú
Phụng), một nơi cũ kỹ, xuống cấp chưa được trùng tu. Hay từng đoàn xe của sinh
viên về nguồn, đến viếng nhà bia Trương Vĩnh Ký, xã Vĩnh Thành “bỗng dưng muốn
khóc” khi trông thấy cảnh lặng lẽ, đìu hiu, tứ bề lộng gió tại bia lưu niệm nơi
sinh nhà bác học…
Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản
văn hóa và nghị định hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội,
các ngành, các cấp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa nói chung, bảo tồn
di tích nói riêng là rất cần thiết. Từ đó làm bật dậy tinh thần tự hào dân tộc,
huy động sức mạnh xã hội trong phát huy tính hấp dẫn của các di tích đối với du
khách, biến những tiềm năng du lịch thành hiện thực, góp phần làm giàu đẹp cho
quê hương, đất nước.