Một phần vách gỗ của nhà cổ Đại Điền sau khi được tôn tạo.
Nhà cổ Đại Điền, ngôi nhà có hơn 100 năm tuổi là công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ độc đáo, được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 2011. Sau khi được tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư hơn 35 tỷ đồng, diện mạo độc đáo của ngôi nhà đem lại nhiều thú vị cho những ai yêu thích kiến trúc cổ.
Độc đáo điêu khắc gỗ
Sau thời gian rơi vào tình trạng xuống cấp, nhà cổ Đại Điền
hay còn gọi là nhà cổ Hương Liêm, tọa lạc tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú nay
đã trở mình “sống lại” một thời quá khứ vàng son. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho
những ai yêu thích tìm hiểu về văn hóa nói chung và nghệ thuật điêu khắc gỗ nói
riêng.
Đến ngã tư Tân Phong, huyện Thạnh Phú, rẽ trái là vào xã Đại
Điền. Qua một vài cây số, ngôi nhà cổ tráng lệ nằm ngay bên cạnh con lộ nhựa
dẫn vào UBND xã. Trong quá trình tôn tạo, những người phụ trách, thực hiện cho
biết, họ thật sự thán phục đầu óc, tầm nhìn của chủ nhà. Đồng thời công nhận
tay nghề tài hoa của những bậc tiền bối thực hiện điêu khắc gỗ đã sống cách đây
hơn 100 năm.
Ngôi nhà cổ có diện tích 520m2, cất theo kiểu nhà xuyên
trính, ba gian hai chái ba. Tường vôi bao bọc xung quanh với nhiều cửa sổ và
khuôn bông thông gió. Ngoài lớp tường ngoài, bên trong còn một lớp vách gỗ bao
bọc ba gian giữa, bốn phía có 9 cửa ra vào. Nhà ông Hương Liêm được xây dựng
bằng các loại gỗ quý với nhiều hoa văn chạm khắc, đặc biệt là hoa văn trên các
khung cửa, thể hiện trong các trám ngang hoặc trám đứng và chia thành từng tầng
theo các đố ngang, đố dọc. Theo thời gian, các hoa văn này đã bị mất nhiều chi
tiết, cần tháo các vách gỗ ra để phục chế từng chi tiết, đây chính là phần khó
nhất mà đơn vị thi công phải thực hiện.
Tùy theo kiểu chạm khắc mà hoa văn khác nhau, hoa văn chạm
lộng, ngoài lộng hình còn có lộng chữ Hán hoặc lộng song. Tinh xảo và công phu
nhất là hoa văn ở các trám với kiểu chạm nổi hai lớp. Lớp bên trong chạm lộng
như lớp lưới, lớp ngoài là chạm nổi. Hoa văn chạm nổi đa dạng từ hoa trái, cây
cỏ đến chim thú, côn trùng ở dưới nước và trên cạn như trúc, hoa sen, hoa súng,
hoa mai, lúa, đào lộn hột, khế, mãng cầu, lựu, xoài, nho, ổi, cà, chim, chuột,
vịt, gà, tôm càng xanh, cua, cá, sóc, thỏ, rái cá, dơi, chuồn chuồn, bướm…
Kỹ sư đến từ Công ty Cổ phần Xây dựng và Phục chế công trình
văn hóa Hà Nội (Công ty) - đơn vị trực tiếp thi công trùng tu công trình nhà cổ
Đại Điền cho biết: Khi hạ giải các chi tiết, chúng tôi rất lúng túng không biết
bắt đầu từ đâu, khó khăn lắm chúng tôi mới hạ giải thành công và khám phá ra sự
tinh túy của các cụ trong việc lắp ghép các chi tiết trên vách gỗ. Đồng thời
công nhận tay nghề của các cụ phải đạt độ tinh tế, cỡ nghệ nhân thời nay mới
làm được một công trình điêu khắc gỗ như thế. Công ty đã phải thuê đoàn 12 thợ
điêu khắc gỗ dày dạn kinh nghiệm đến từ Làng nghề gỗ Hà Tây (Hà Nội) để phục
chế các chi tiết, hoa văn trên vách gỗ trong một tháng. Các vách gỗ được lắp
ghép rất công phu nên khi tháo ra người thợ phải thực hiện từng bước theo một
trình tự nhất định và khi lắp vào cũng phải tuân thủ trình tự đó, chỉ cần lắp
sai một chi tiết thì phải tháo hết làm lại từ đầu (bao gồm khung cửa, khung
vách, chân vách, các miếng trám).
Ngoài ra, đơn vị thi công cũng cho rằng, họ thực sự thán
phục trước một công trình hoành tráng đã được người xưa thực hiện công phu đến
mức hoàn hảo, kèm theo là những thắc mắc “không lời đáp”. Một số cột kèo bằng
thân gỗ to lớn phải chở từ miền ngoài vào, đơn vị thi công phải dùng xe tải lớn
di chuyển trên đường nhựa nhưng vẫn không tải hết độ dài của thân gỗ và di
chuyển rất khó khăn. Với 42 viên đá xanh, mỗi viên dài 3m, dày 20cm, ngang
33cm, chủ nhà thời đó phải mua từ miền ngoài chở vào, không biết họ đã chuyên
chở như thế nào! Khi lắp dựng cột kèo mới, công ty phải dùng pa-lăng xích mới
thực hiện được, nhưng cách đây 100 năm các cụ đã sử dụng phương tiện gì hay chỉ
đơn thuần là sức người?…
Sẵn sàng đón khách
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức công tác
bàn giao công trình cho UBND huyện Thạnh Phú quản lý. Nhà cổ Đại Điền đã sẵn
sàng đón khách. Trước mắt, người thuyết minh di tích được giao cho cháu đời thứ
sáu của ông Huỳnh Ngọc Khiêm.
Du khách đến tham quan nhà cổ Đại Điền sẽ dễ dàng nhận ra
nhiều phần được xây mới như: phần xây trát, ốp lát gạch nền, cổng hiện đã phục
chế 100%, phần ngói tổng cộng có 3 lớp, chỉ giữ lại được khoảng 20m, hầu hết
được thay mới. Công ty đã lắp thêm hệ thống đèn chiếu gồm 65 cái, phục vụ người
xem quan sát rõ các hoa văn, chi tiết nhỏ trên vách. Toàn bộ tường rào, nhà
phụ, nhà vệ sinh đều được xây dựng mới.
Bên cạnh đó, nội thất ngôi nhà như bàn, tủ thờ, tủ để đồ
sinh hoạt, ghế, giường, phản cũng có nhiều hoa văn rất tinh xảo, cẩn xà cừ
trông rất đẹp mắt được phục hồi theo nguyên bản. Các khung sắt cửa sổ khá đẹp,
sau 100 năm tuy đã gỉ sét và mất gần hết nhưng may mắn vẫn còn giữ lại một vài
mẫu nguyên thủy đã giúp ích cho công việc phục chế được hoàn chỉnh hơn.
Thú vị nhất là giếng đá cổ phía sau ngôi nhà vẫn còn mạch
nước ngầm khá tốt của vùng Đại Điền. Hơn 100 năm qua, mỗi ngày giếng đá cổ cung
cấp khoảng 20 xe nước bán cho người dân trong vùng, đem lại thu nhập đều đặn
cho chủ nhà, kể cả những mùa khô hạn trong năm.
Anh Huỳnh Ngọc Thu, cháu đời thứ sáu của ông Huỳnh Ngọc
Khiêm ngắm nhìn ngôi nhà sau khi được tôn tạo và chia sẻ: Tuy một số chi tiết
đã mai một, ngôi nhà cũng không còn vẻ cổ kính nhưng nét độc đáo của ngôi nhà
gần như khôi phục 100% theo nguyên bản sau khi được tôn tạo.
Chủ nhân ngôi nhà là ông Huỳnh Ngọc Khiêm
(1843-1927), một trong những người giàu vào bậc nhất, nổi tiếng ở vùng Cù lao
Minh và tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ. Nhà cổ Đại Điền có kiến trúc nhà cổ đẹp
thuộc dạng hiếm hoi còn lại ở tỉnh Bến Tre và được công nhận là Di tích cấp
quốc gia năm 2011. Ngôi nhà khởi công xây dựng từ những năm cuối thập niên 80
của thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Theo tài liệu về di tích, phải trên 10 năm
mới xây dựng xong ngôi nhà. Thợ làm nhà là thợ ở miền ngoài (miền Trung hoặc
miền Bắc).