Nếu có dịp, mời bạn về quê tôi ngắm cảnh xem người, để cảm nhận tình quê của “một thời xa vắng”. Dù bây giờ đã là thế kỷ 21, nhưng những nét chân quê mộc mạc dường như vẫn còn đó, trường tồn. Xin đơn cử một “góc nhỏ” quê tôi.
Vào những buổi sáng sớm, khi sương mai còn đọng trên những đóa hoa, ngọn cỏ, thì những người dì, người mẹ, người bà đã tần tảo ra vườn gom ít rau dại, ít củ khoai, thậm chí vài con tép do con cháu trong nhà vừa đi đặt bung, đặt lợp đem về, ra “khoảng chợ” bán, kiếm ít ngàn mua lại những loại thực phẩm khác mà gia đình cần trong ngày. Không gian yên bình của những “khoảng chợ” quê đơn sơ như tình người miệt quê sao quá đỗi yêu thương.
Có gì đâu, “khoảng chợ” có thể là đôi ba người, đa phần là phụ nữ, bày bán những món hàng có sẵn trong vườn, hoặc quà bánh nhà làm. Là rổ rau tập tàng, mớ rau cải trời, chùm ớt chín đỏ, bó ngọn bí xanh, ít củ khoai vừa đào chiều hôm, vài con cá lóc đồng, mớ cá rô hay vài trăm gram tép. Người hiện đại lại dùng từ hoa mỹ hơn là “chợ nông thôn” để đặt tên cho loại “chợ mini và di động” này, nhưng cũng có người gọi dân dã hơn là “chợ chồm hổm”, “chợ cóc”. Sao cũng được. Người dân quê tôi chỉ hiểu đơn giản đó là nơi cho mọi người mua, bán, trao đổi những cái có sẵn trong vườn, ao nhà và mua những cái gia đình đang cần đến. Tất cả diễn ra trong chóng vánh chừng 1-2 giờ buổi sáng.
Bà tôi cũng vậy, dù tuổi đã ngoài 70 nhưng dường như chưa bỏ buổi chợ nào. Bởi đi chợ là trao đổi, là thăm hỏi nhau, là “khoe” việc chăn nuôi, trồng trọt của các thành viên trong gia đình, là chia ngọt sẻ bùi niềm vui thường nhật, thông tin về người thân trong làng trên, xóm dưới kẻ bệnh, người mất. Chợt nghĩ, có phải vì gắn bó da diết với những điều nho nhỏ của cái chợ quê ấy mà con người ta mới nhiều hoài niệm và nhớ về nguồn cội?...
Ngày nay, các buổi chợ này còn là nơi thông tin thêm về thời tiết, việc học hành, làm việc của con cháu… Đi chợ là mua, là bán, song còn là niềm vui được giao tiếp ăm ắp, thầm lặng tình đời, tình người. Đi chợ đối với người dân quê tôi còn được xem như một loại hình giải trí không thể thiếu của các dì, các mẹ cao niên. Nét đẹp chợ quê đến nay vẫn còn lưu giữ ở các vùng nông thôn quê tôi.
Thời gian đôi ba năm trở lại đây, “chợ nhóm” đã dần lan truyền đến tận phố thị, nhưng các loại sản phẩm được bày bán đã dần hiện đại hơn, có “cây nhà lá vườn” nhưng cũng có cả những “hàng hóa công nghiệp”. Người tham gia nhóm chợ cũng đa dạng về thành phần và lứa tuổi, có nam nữ, già trẻ rất vui. Làm một “tour” vòng quanh TP. Bến Tre chúng ta rất dễ dàng nhận thấy hầu như ở các góc phố, đoạn đường có lề rộng, thông thoáng là có… “nhóm chợ”, sáng sớm có mà chiều muộn cũng có. Có khi cũng chỉ là vài ký sơ ri, ít trái ổi, trái xoài, nhưng có nơi “hoành tráng” hơn thì có sạp bán hẳn hoi nào cua, ốc, sò, thậm chí cả quần áo, thau chậu, thú nhồi bông... Loại hình chợ này thường “xuất hiện” nhiều vào buổi chiều, khi nắng đã gần tắt. Đa phần người bán là tiểu thương buôn bán nhỏ nhưng có cùng điểm chung là người nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, tranh thủ khi trời chiều kiếm thêm chút đỉnh từ người mua hàng là người quê đi làm thuê trên phố thị, công chức bình dân. Nhìn cách bày bán cũng đáng thương lắm. Trên một cái mâm đặt trước nhà với ít trái cây, hoặc có bày bán thì cũng rất khiêm tốn, nép sát vào trong lề đường.
Bạn có thích đi chợ “chồm hổm” không? Đi chợ này có nhiều điều thú vị lắm. Ở đây xin không bàn đến giá cả. Bởi đâu có ai kiểm tra, đâu có bảng giá. Giá là do người bán nói, người mua thuận là xong. Dường như vẫn còn đâu đó trong tâm trí người Việt, dù nay, ý thức về việc trao đổi hàng hóa hai chiều nhiều hơn là kinh doanh (tính lãi lỗ). Người bán thoải mái, người mua vui vẻ.
Khi nhìn thấy cảnh này, cán bộ ngành chức năng đôi khi cám cảnh, động lòng tội nghiệp mà cho qua. Vì sao “tiểu thương” của những “khoảng chợ” này không vào chợ bày bán cho “yên chỗ, yên nơi” và không lo chịu cảnh nắng mưa? Có gì nhiều để phải đến chợ đâu, ít trái xoài, trái ổi, ít con cá, con tép. Thôi thì bày trước nhà mình, hoặc mái hiên nhà phố, dưới tán cây cạnh vỉa hè, ai cần thì ghé mua. Nếu để một thoáng không ai hỏi thì “hôm nay cả nhà được bữa liên hoan”.