“Nghìn trái tim hồng, vạn lòng nhân ái”

05/10/2018 - 07:20

BDK - Vận động hỗ trợ phẫu thuật tim là một chương trình trọng tâm và hoạt động vô cùng hiệu quả của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Đến nay, qua gần 15 năm thực hiện, chương trình đã vận động, tổ chức phẫu thuật trên 1.000 trường hợp, giúp họ khỏe mạnh và có cuộc sống ổn định.

Ông Lê Huỳnh và những em đã được hỗ trợ phẫu thuật. Ảnh: CTV

Ông Lê Huỳnh và những em đã được hỗ trợ phẫu thuật. Ảnh: CTV

Mới đây, ngày 7-10-2018, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh sẽ tổ chức lễ mừng ca phẫu thuật tim thứ 1.000 - “Nghìn trái tim hồng, vạn lòng nhân ái” với sự tham dự khá đầy đủ nhà hảo tâm và đại diện các trường hợp thụ hưởng từ chương trình.

Niềm vui lan tỏa

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Trần Công Ngữ (Vũ Hoàng) - Phó chủ tịch hội chia sẻ: “Chương trình vận động phẫu thuật tim ra đời trong bối cảnh hết sức khó khăn và đầy nan giải. Khi chúng tôi tham khảo với các hội ở tỉnh bạn hầu như nơi nào cũng cho rằng khó có khả thi, vì lúc ấy các tỉnh phía Nam chỉ có Viện Tim TP. Hồ Chí Minh là cơ sở duy nhất tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật tim; một ca mổ tim quá tốn kém so với khả năng có thể vận động cho trẻ em nghèo; nguồn tài trợ quá ít ỏi… Nhưng trên thực tế, khi khám bệnh tầm soát thì tỷ lệ trẻ em ở tỉnh mắc bệnh tim bẩm sinh quá nhiều nên buộc hội phải quyết tâm vào cuộc và xem đây là chương trình trọng tâm của hội”. Ngay lúc này đây, khó có thể diễn tả hết tâm trạng của những người làm công tác hội, nhà hảo tâm cũng như những người từng bệnh tim. Mỗi vị trí một cảm xúc nhưng tất cả gặp nhau ở niềm vui vỡ òa.

Có thể thấy hội đã làm tốt vai trò “nhịp cầu” kết nối giữa trái tim nhân ái đến với trái tim cần sự trợ giúp. Phía sau con số 1.000 tròn trịa là chuỗi ngày không ít vất vả của các cô chú, anh chị ở hội. Bởi, kiến tạo ra chương trình là một lẽ, quan trọng nhất là làm sao để chương trình hoạt động hiệu quả, thiết thực. Từ chỗ tiếp nhận thông tin từ những lá đơn nhờ hỗ trợ của bệnh nhân, hội chủ động tổ chức khám sàng lọc bệnh tim, khảo sát thực tế, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để tổ chức phẫu thuật. Nhờ vậy, nếu những năm 2003, 2004 chỉ mổ được vài ca thì sau này, số người được hỗ trợ tăng lên đáng kể và năm 2006, chương trình được mở rộng sang cả đối tượng người lớn còn sức lao động. “Không thể quên một điều rất quan trọng là sự hoạt động chí tình, đầy tính nhân văn của các phân hội, chi hội, đã kịp thời phát hiện bệnh nhân và hướng dẫn mọi thủ tục để bệnh nhân nhanh chóng đến các bệnh viện điều trị”, ông Vũ Hoàng chia sẻ thêm. Không chỉ vận động giúp những đối tượng này trị bệnh, hội còn vận động nhà hảo tâm tặng nhà mái ấm trái tim hoặc hỗ trợ học nghề, phương tiện lao động để cải thiện cuộc sống.

Những trái tim nhân ái tìm đến và đồng hành cùng với hội ngày càng nhiều và cách hỗ trợ cũng rất đa dạng, thậm chí “chưa từng có tiền lệ”. Ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) - Chủ tịch hội từng “bật mí”, đó là nguồn tiền từ việc bỏ ống heo của em học sinh, tiền thưởng hay nhuận bút, lương hưu hay tích lũy, đám cưới, phúng điếu… đến sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong nhiều nhà tài trợ ấy phải kể đến bà Võ Thị Nĩ (Sáu Hòa) là một cán bộ về hưu đã dành dụm tiền, vàng giúp cho các hoạt động từ thiện; đặc biệt, đã hai lần bán nữ trang để giúp phẫu thuật tim cho hai cháu Trần Thị Thủy (xã Đa Phước Hội, Mỏ Cày Nam) và Trần Phạm Ngọc Lan Anh (xã An Bình Tây, Ba Tri) với số tiền 40 triệu đồng; hội tiếp tục vận động tiền để đủ chi phí phẫu thuật cứu sống 2 cháu. Và cũng rất xúc động khi một anh bán thịt cứ mỗi tháng đến ủng hộ 20 ngàn đồng và trên 25 gia đình đã dành tiền phúng điếu ủng hộ chương trình. Sự công khai, minh bạch của hội tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của nhà hảo tâm.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự nhiệt tình, những bàn tay vàng của đội ngũ y bác sĩ thiện nguyện ở trong, ngoài tỉnh. Tất cả đều thấm đẫm tình cảm, tình nhân ái.

Lễ trao tặng nhà “Mái ấm trái tim” tại TP. Bến Tre. Ảnh: HBT

Lễ trao tặng nhà “Mái ấm trái tim” tại TP. Bến Tre. Ảnh: HBT

Vững bước vào tương lai

15 năm trôi qua, những trẻ được mổ tim ngày nào nay đã lớn, học hành đàng hoàng, lên chức cha mẹ, có tương lai sáng sủa. Chúng tôi đã gặp lại em Nguyễn Trọng Hữu (xã Hương Mỹ, Mỏ Cày Nam) là sinh viên đại học; em Nguyễn Văn Sách (thị trấn Thạnh Phú) là công nhân; vợ chồng khiếm thị Nguyễn Thị Trang (Đắk Lắk) mở cơ sở massage khá hiệu quả ở phường Phú Khương hay nghe tin em Bùi Thị Hậu (xã An Hiệp, Ba Tri), Ngô Thị Hằng Ni (xã Mỹ An, Thạnh Phú), Nguyễn Thị Dung (xã Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày Bắc)… đã lập gia đình, sinh con kháu khỉnh; hai chị em sinh đôi Đặng Thị Hoàng Mỹ, Đặng Thị Hoàng Dung (xã Phong Nẫm, Giồng Trôm) học xong cao đẳng… Dù ở đâu, các em cũng đều nhớ ơn của những người đã giúp mình hồi sinh. Có thể nói, sự trưởng thành, sống tốt là cách các em cảm ơn sự quan tâm của xã hội, của những ân nhân một cách thiết thực nhất.

 Trong những ngày này, dù tất bật chuẩn bị chương trình mừng ca tim thứ 1.000, nhưng ông Vũ Hoàng không quên bày tỏ: “Xin được chúc mừng tất cả bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật hiểm nghèo có cuộc sống hạnh phúc. Xin nghìn lần tri ân quý nhà tài trợ, các y bác sĩ của các bệnh viện đã, đang và sẽ cùng với hội tiếp tục chăm lo cho bệnh nhân nghèo, góp phần có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện an sinh xã hội ở một tỉnh cù lao còn nhiều khó khăn”.

Vâng, thành quả của hội đã góp phần đáng kể kéo giảm những khó khăn của hàng ngàn gia đình ở khắp ba dải cù lao xứ Dừa. Mừng ca tim thứ 1.000!

“Đến nay, cùng với sự cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ của các nhà tài trợ, các y bác sĩ, hội đã vận động, tổ chức phẫu thuật cứu sống 1.045 bệnh nhân tim. Đây là một kỳ tích lớn lao của tất cả chúng ta. Về phía hội, nói đến chương trình tim là nói đến bao tâm huyết của anh Lê Huỳnh”.

(Ông Vũ Hoàng)

Khải Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN