Ðo lường hoạt động của người dân trên các nền tảng số Việt Nam

20/06/2022 - 05:47

BDK - Với dân số khoảng 100 triệu người và số người sử dụng Internet trên 75 triệu người, Việt Nam là nước nằm trong nhóm 15 quốc gia “lớn nhất” trên không gian mạng.

Hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng số thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam. Ảnh: T. Đồng

Hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng số thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam. Ảnh: T. Đồng

Hàng ngày, người dùng Việt Nam tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu này đang bị thu thập, phân tích để sinh lợi cho các nền tảng xuyên biên giới. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội mà còn là vấn đề an ninh quốc gia. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chỉ đạo năm 2022 lấy người dân là trung tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hướng dẫn định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số (NTS) Việt Nam. Đây là điểm mấu chốt để vừa phát triển kinh tế số và xã hội số, vừa bảo đảm chủ quyền số quốc gia.

Xu hướng chủ yếu là mọi thứ hội tụ trên chiếc điện thoại thông minh của người dùng. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về tổng số lượt người dùng tải ứng dụng và thứ 10 trên thế giới về thời gian người dùng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Điểm sáng được người dân Việt Nam sử dụng nhiều là NTS Việt Nam trong lĩnh vực liên lạc. Số lượng người dùng thường xuyên hàng tháng của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2-2022. Đặc biệt, trong Top 5 app liên lạc, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha xấp xỉ 591MB (chiếm 58,84% toàn thị trường), nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (tổng Messenger, Viber và Telegram là 413,3MB, chiếm 41,16%).

Đây là tín hiệu đáng mừng về khả năng thu hút dữ liệu người dùng Việt Nam lưu trữ trên NTS của Việt Nam. Sổ sức khỏe điện tử là điểm sáng tiếp theo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thường xuyên giữ vị trí đứng đầu về lượt tải và số lượng người dùng thường xuyên hàng tháng (19,9 triệu) trong nhóm y tế. ViettelPost chuyển phát nhanh đứng đầu nhóm ứng dụng giao hàng cả về lượt tải và số lượng người dùng thường xuyên hàng tháng. Lĩnh vực tài chính số phát triển khá ổn định, vững chắc và tương đối đồng đều giữa các ngân hàng.

Một vài số liệu đo lường hoạt động của người dân Việt Nam trên các NTS khác như: với NTS Việt Nam phục vụ mua sắm, đến hết quý I-2022, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên Postmart, Vỏ Sò (các nền tảng của Việt Nam) là gần 5,4 triệu hộ, trong đó số tài khoản đủ điều kiện tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 1,2 triệu tài khoản (chiếm 21,5%), đã đưa lên 2 sàn hơn 80 ngàn sản phẩm nông nghiệp.

Ba NTS Việt Nam phục vụ các cơ sở giáo dục là VNEdu của VNPT, K12Online của Viettel và MobiEdu của MobiFone đều có số lượng người sử dụng hàng tháng nhỏ hơn 1 triệu. Ba NTS Việt Nam phục vụ các em học sinh có thể trực tiếp lên học trực tuyến các môn học hoặc làm bài tập lần lượt là Azota có số lượng truy cập hàng tháng vào khoảng 25,6 triệu lượt, Học Mãi khoảng 2,9 triệu lượt và Ôn Luyện khoảng 470 ngàn lượt.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT thí điểm đánh giá, công bố các NTS Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp và tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và sử dụng các NTS Việt Nam phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày. Bộ TT&TT đề nghị các địa phương tích cực triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng trên phạm vi địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương sử dụng các NTS Việt Nam. Tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ của địa phương về chuyển đổi số, làm nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số với trọng tâm năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các NTS Việt Nam.

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN