|
Ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến chỉ đạo. Ảnh: H.V |
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các ngành của huyện Giồng Trôm ngày 3-1-2014.
Theo ông Đặng Thanh Khiết - Chủ tịch UBND huyện, năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,41%. Thu nhập bình quân đầu người: 21,24 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản đạt gần 1,3 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng gần 763 tỷ đồng. Giá trị thương mại - dịch vụ gần 1.100 tỷ đồng. Sản lượng lúa gần 56 ngàn tấn/năm. Niên vụ mía 2013-2014, tổng diện tích 1.400ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha. Diện tích dừa gần 17.000ha, sản lượng 181 triệu trái/năm. Cây ăn trái có diện tích 4.780 ha, sản lượng gần 61 ngàn tấn/năm... Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất đạt gần 411 tỷ đồng. Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm đang được giải phóng mặt bằng mở rộng 9,8ha để mời gọi đầu tư. Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ ước đạt gần 1,1 tỷ đồng. Huyện đang xây mới một số chợ. Về lĩnh vực giáo dục, nhiều giáo viên đạt chuẩn nhưng tỷ lệ học sinh giỏi không nhiều.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến thiết thực cho Giồng Trôm. Ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đặt vấn đề, Cụm CN-TTCN Phong Nẫm, Giồng Trôm nên xem lại quá trình giải phóng mặt bằng. Một nhà máy sản xuất than hoạt tính ở Khu công nghiệp Giao Long muốn chuyển về Cụm CN-TTCN Phong Nẫm đến nay hơn 1 năm cũng chưa được vì mặt bằng chưa ổn. Về Khu công nghiệp Phước Long, huyện cần đẩy nhanh xúc tiến đầu tư. Riêng khu vực Đồng Gò nên dành riêng cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phải đến năm 2015, mới thi công đoạn từ đầu Tuyến tránh thị trấn Giồng Trôm đến đường huyện 10 (tổng kinh phí gần 52 tỷ đồng).
Thu hoạch lúa ở cánh đồng mẫu Phong Mỹ. Ảnh: H. Vũ
Theo Sở Nội vụ, bắt đầu năm 2014, đối với cấp xã ở Giồng Trôm giảm cán bộ không chuyên trách, tăng cán bộ kiêm nhiệm; giải quyết dứt điểm tình trạng cán bộ địa chính xã gây phiền hà đối với dân. Cũng trong năm 2014, Giồng Trôm tập trung chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công chức huyện, xã.
Ông Trần Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận xét, Giồng Trôm có nhiều làng nghề truyền thống đã thành lập một số hợp tác xã (HTX), nhưng hầu hết các HTX hoạt động cầm chừng. Năm 2014, Giồng Trôm phải tập trung kiểm tra và có định hướng sản xuất rượu chất lượng bảo đảm.
Ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Huyện cần tập trung xác định phát triển cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cây dừa vẫn là cây chủ lực, rất thích hợp trên đất Giồng Trôm. Xã Hưng Phong không được nuôi tôm nước mặn. Một số xã phải quy hoạch lại vùng trồng trọt, chăn nuôi. Phải có giải pháp cụ thể, nhân rộng mô hình: liên kết trồng dừa; cánh đồng mẫu ở Phong Mỹ. Linh hoạt trong phát triển cụm CN-TTCN. Rà soát kỹ tỷ lệ hộ nghèo, nghiêm túc trong công tác bình xét hộ nghèo. Tập trung công tác an sinh xã hội. Tạo ngành nghề mới cho nông dân song song với ngành nghề truyền thống. “Năm 2014, Giồng Trôm phải vận dụng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng mới các chợ xã, góp phần xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng xã nông thôn mới không được chạy theo thành tích. Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm giàu chính đáng. an ninh trật tự, văn hóa - xã hội phải thật sự giữ vững. Tập trung xây dựng người cán bộ, công chức tốt. Giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014” - ông Võ Thành Hạo nhấn mạnh.