“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

29/01/2018 - 16:01

BDK - Đó là quan điểm từ bao đời nay trong xã hội. Đặc biệt, trước tình hình các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, công tác dự phòng càng được đề cao.

Bấm huyệt là một trong những phương pháp điều trị bệnh thông thường. Ảnh: Phan Hân

Bấm huyệt là một trong những phương pháp điều trị bệnh thông thường. Ảnh: Phan Hân

Đó là quan điểm từ bao đời nay trong xã hội. Đặc biệt, trước tình hình các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, công tác dự phòng càng được đề cao.

Phòng bệnh là quan trọng

Theo bác sĩ Võ Hồng Khanh - Phó giám đốc Sở Y tế tại hội nghị tổng kết công tác y tế dự phòng mới đây, ngoài việc tập trung giải quyết các bệnh truyền nhiễm, dự phòng các bệnh không lây nhiễm, các bệnh mạn tính, các bệnh liên quan đến lối sống là hết sức cần thiết. Dù ở loại bệnh nào, dự phòng các yếu tố nguy cơ luôn có vai trò quan trọng.

Bác sĩ Võ Hồng Khanh cũng lưu ý các bệnh thường gặp trong mùa. Trong đó, bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… các bệnh mạn tính thường gặp: bệnh khớp, đột quỵ ở người lớn tuổi. Đặc biệt, với những người có tiền sử huyết áp cao khi gặp thời tiết thay đổi đột ngột từ bên ngoài, dễ bị tắc nghẽn việc lưu thông máu lên não. Não sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến đột quỵ và tử vong.

Vào dịp cuối năm, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm do đó phòng bệnh chủ yếu là phải tránh các tác động xấu của yếu tố gây bệnh. Theo khuyến cáo của ngành y tế, mỗi người cần giữ ấm, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng; hạn chế đến những chỗ đông người. Bên cạnh việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, cần duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe.

Với quan điểm đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển mà Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định, thì việc phòng bệnh càng trở nên quan trọng và là mấu chốt để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực hiện “2 tại chỗ”

Nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành trong tự phòng, chữa bệnh thông thường bằng y học cổ truyền là cần thiết và hữu ích. Thầy thuốc nhân dân Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã xây dựng Dự án Phổ cập y học cổ truyền phòng, chữa bệnh thông thường và chăm sóc một số bệnh mạn tính không lây cho người dân tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014 - 2016. Dự án được phê duyệt tháng 8-2017.

Theo bác sĩ Lê Thị Dung, đưa y học cổ truyền vào chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là thực hiện được “2 tại chỗ”: thầy tại chỗ và thuốc tại chỗ. Điều này vô cùng ý nghĩa trong cơ chế thị trường, giúp người dân ít tốn kém mà ngừa được bệnh.

Với mục đích đó, từ tháng 9-2015 đến tháng 6-2016, bác sĩ Lê Thị Dung cùng các thành viên thực hiện dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn các kỹ năng cơ bản trong y học cổ truyền; chuyển giao thực hành sử dụng trên 20 loại cây thuốc nam; xoa bóp, bấm huyệt trên 7 động tác, củng cố vườn thuốc nam, chuyển giao tài liệu phổ cập cho 360 cán bộ cơ sở các huyện, thành phố và một bộ phận người dân.

Dự án đã hoàn thành nội dung tự phòng, chữa bệnh thông thường tại hộ gia đình: tiêu chảy, táo bón, cảm sốt… hướng dẫn người dân cách tự chăm sóc cho bản thân và người thân một số bệnh không lây như: sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, tiểu đường, hen suyễn, bệnh khớp, ung thư giai đoạn cuối… Đồng thời chuyển giao 10 phác đồ điều trị kết hợp Đông - Tây y cho 147 trạm y tế và phòng chẩn trị. Từ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành y học cổ truyền trong công tác phòng, chữa bệnh thông thường cũng như một số bệnh mạn tính.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Em ở ấp Gò Da, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri từng ứng dụng cây cỏ mực trong việc hạ sốt hiệu quả. Theo lời kể, bà đã sử dụng lá cỏ mực để đâm lấy nước cho cháu ngoại uống. Kết quả, cháu ngoại bà bớt sốt, kết hợp bổ sung dinh dưỡng và vitamin bé đã khỏi bệnh. 

 “Việc phổ biến các cây thuốc nam trong vườn gia đình giúp sơ cứu có hiệu quả những chứng bệnh nguy hiểm thường có chuyển biến nhanh như sốt cao, tăng huyết áp. Chữa bệnh bằng thuốc nam không chỉ có lợi vì nguồn thuốc dễ tìm, ít tác dụng phụ mà còn ít tốn kém” - ông Đỗ Ngọc Hữu ở xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc chia sẻ.

Thông qua dự án, các trạm y tế đều có vườn thuốc nam mẫu để giúp người dân nhận dạng thảo dược và phát triển tại gia đình. Nhờ đó, các loại cây thuốc đang hiếm: đinh lăng, húng chanh, muồng, nhàu… được người dân trồng và nhân rộng, góp phần phong phú nguồn thảo dược phục vụ hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương. Áp dụng các kiến thức được phổ cập, người dân cùng ngành Y tế đa dạng phương pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới.

Bác sĩ Phạm Văn Hạnh - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho hay, phổ cập thực hành y học cổ truyền là việc làm hết sức cần thiết và hữu ích. Hiện nay, các bệnh mạn tính có xu hướng tăng cao. Do đó, việc phòng bệnh từ những loại thuốc sẵn có tại địa phương là thiết thực và có ý nghĩa đối với người nghèo. Từ những bài thuốc đơn giản: cây cỏ mực uống trị sốt, dây nhãn lồng giúp an thần… người dân sẽ biết được công dụng cây thảo dược có quanh vườn của gia đình. 

 

Phan Hân

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN