“Tép rang dừa Mỹ Hưng” khởi nghiệp

08/03/2017 - 08:52

Cho nước cốt dừa vào chảo tép.

Tép rang nước cốt dừa là món ăn đặc sản của xứ Dừa. Món ăn này được chế biến từ hai nguyên liệu chính là tép bạc đất thiên nhiên và nước cốt dừa. 

Điểm mới là món ăn này đang được phụ nữ xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú đầu tư phát triển theo hướng thương mại hóa, phát triển kinh tế gắn với đặc sản địa phương, góp phần tạo thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. 

“Trước nay, gia đình tôi vẫn làm món tép rang nước cốt dừa để bán nếu có người quen đặt hàng nhưng khoảng một vài ký. Ý định mở rộng nữa thì có nhưng thật tình là chưa biết làm sao. Năm 2016, được sự quan tâm gợi ý và hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, tôi đã quyết định thành lập tổ hợp tác “Tép rang dừa Mỹ Hưng”, với sự tham gia của hội viên Hội LHPN xã Mỹ Hưng. Tổ được thành lập vào tháng 8-2016 theo Nghị định số 151 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Hiện tổ có khoảng 20 hội viên, trong đó, hội viên là hộ nghèo chiếm trên 50%”, bà Trần Thị Diền - Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Hưng cho biết. 

Chúng tôi đến thăm tổ hợp tác vào một ngày cận 8-3-2017. Các chị trong tổ đang chuẩn bị chế biến món ăn này. Theo sự phân công của tổ, một nhóm chị đảm nhiệm việc thu mua nguyên liệu tép tươi sống. Nhóm khác làm tép, nạo dừa, vắt nước cốt. Nhóm còn lại rang tép. Cần nhiều kỹ thuật nhất và hấp dẫn nhất vẫn là công đoạn rang tép trên lò củi đốt. Nước cốt dừa (nước nhì còn được gọi là nước dão) sau khi đã được đun sôi đến “bồng con”, tép bạc mới được thả vào và người đứng bếp phải đảo tép liên tục cho đều. Từng con tép chuyển màu đỏ ửng. Nước trong chảo gần cạn, mùi thơm của nước cốt cô sánh lại quyện vào con tép thơm lừng. Cũng trong khoảng thời gian này, chỉ có hai loại gia vị gồm đường cát và muối sẽ được cho vào chảo tép. Khi nước cốt dừa sệt lại, cho chén nước cốt dừa đậm đặc (còn gọi là nước nhất) vào chảo và tiếp tục đảo đều tay, liên tục đến khi nước cạn và sền sệt. Giai đoạn này nếu tép không được đảo đều tay và lửa lớn sẽ dễ dẫn đến khét. Mùi thơm tép chín càng nồng hơn, đậm đà hơn. Vỏ tép chín phồng lên, màu đỏ au. Ăn vào cảm nhận vỏ giòn kháy, thịt dẻo, dai, vị đậm đà và béo nước cốt. Tép rang nước cốt dừa thành phẩm giá bán 300 ngàn đồng/kg.

Lần đầu tiên, tổ đã đem tép rang nước cốt dừa trưng bày tại hội chợ để quảng bá với nhãn hiệu “Tép rang dừa Mỹ Hưng”. Các thành viên trong tổ ai cũng rạo rực tâm thế khởi nghiệp và tâm huyết với sản phẩm này. Chị Nguyễn Thị Lùn - hội viên của tổ nói: “Tôi tham gia tổ với mong muốn có việc làm ổn định, kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình”.

Từ lâu, tép rang nước cốt dừa đã ngầm hình thành một thương hiệu ẩm thực độc đáo nhất nhì ở Bến Tre. Tuy nhiên, việc món ăn này đang được thương mại hóa, bằng cách “chen chân” vào chuỗi hệ thống hàng chục siêu thị hiện đại trong cả nước là câu chuyện “nóng hổi”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, bắt nguồn cho câu chuyện này là ý tưởng của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ý tưởng trên vào thực hiện chương trình khởi nghiệp. Động cơ để ý tưởng cụ thể hóa vào thực tiễn chính là từ chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”. Tín hiệu bước đầu khá phấn khởi, tổ có khả năng cung ứng thị trường hàng chục ký sản phẩm/ngày.

Cũng theo bà Kiều Oanh, hội đã kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết với tổ hợp tác để hỗ trợ thiết bị trong chế biến, thực hiện đóng gói bao bì, nhãn mác và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Kỳ vọng của hội là phát triển nhân rộng mô hình tổ hợp tác trong toàn tỉnh và kết nối sản xuất, tiêu thụ, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đủ đáp ứng yêu cầu của thị trường và xa hơn là đăng ký thương hiệu tép rang nước cốt dừa tỉnh Bến Tre. Tỉnh xác định đây là một sản phẩm khởi nghiệp trong ngành dừa, với cách làm mới theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của đông đảo người dân xứ Dừa.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN