 |
Anh Liếp đang “hóa rồng” cho gốc cây khô. Ảnh: C. Trúc |
Đó là cái nghiệp của nghệ nhân Võ Văn Liếp ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.
Cơ sở điêu khắc của nghệ nhân Võ Văn Liếp nằm trong một con hẻm khá nhỏ và vắng vẻ của xã An Thạnh. Nơi ấy cũng không có bảng hiệu hay dòng chữ nào để phô trương tên tuổi, sản phẩm của anh, mà chỉ có hàng trăm gốc cổ thụ nằm nối dài trước cơ sở, chờ đôi tay người nghệ nhân “hóa kiếp”. Anh Phạm Duy Điền - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã cho biết: Những gốc cây này từ 100 tuổi trở lên, được người dân địa phương vận chuyển đến. Nơi đây hồi xưa là đất giồng, được thiên nhiên ưu đãi nên còn tồn tại nhiều gốc cây vườn cổ thụ quý hiếm.
Với đôi mắt của người có kinh nghiệm trên 30 năm “thổi hồn” cho những gốc cây khô, anh Liếp chỉ tay về từng gốc cây và cho biết tương lai nó sẽ là “đại bàng gắp hổ”, “12 con giáp” hoặc một thiếu nữ “biết nói biết cười”... Tùy theo mỗi tác phẩm, thời gian để anh thổi hồn và tạo tác phải mất từ vài tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, điều thú vị là tưởng chừng như những gốc cây không hồn, chỉ là củi khô, nhưng khi qua tay anh Liếp, tất cả sẽ sống lại với giá trị từ vài mươi đến hàng trăm triệu đồng/sản phẩm. Đối với người trong nghề và thật sự đam mê nghệ thuật này, giá trị nghệ thuật ở sản phẩm điêu khắc chạm trổ là không có giới hạn. Giá trị đó do người chơi tự nhìn nhận, khai thác và tôn vinh. Anh Liếp cho biết, trước đó, anh đã có những tác phẩm ấn tượng từ các gốc cây như: bàn long sư, bộ bàn 3 sư tử tranh châu, bộ bàn hoang dã, đại bàng gắp rắn, sư tử săn mồi... Có người cho rằng, hầu hết những khách hàng đến với anh là “đại gia” nhưng theo anh Liếp, cả anh và họ gặp nhau đều là duyên. “Chúng tôi gặp nhau ở điểm chung là đam mê nghệ thuật. Họ sẵn sàng đầu tư vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng để có thể khai sáng, tôn vinh một nét đẹp nghệ thuật tiềm ẩn trong từng gốc cây đã chết. Riêng tôi, đã trải nghiệm một đời cho môn nghệ thuật này” - anh nói. Có thể nói, đó là niềm vui, là nguyên nhân để anh Liếp sẵn sàng cho sự đeo đuổi một môn nghệ thuật từ khi còn rất trẻ (16 tuổi).
Không chỉ những gốc cổ thụ, nếu người dân địa phương vô tình bắt gặp những gốc cây có dáng hình lạ hoặc gốc nhãn to... vẫn có thể mang đến để anh chạm khắc. Những tác phẩm càng công phu thì họa tiết càng nhiều và càng giống thật. Hay nói cách khác, tác phẩm vừa thể hiện sự tinh xảo nhưng không thể mất đi “bố cục” thiên nhiên, hoang sơ và trừu tượng của nó. Nghệ nhân phải tận dụng, khai thác tối đa những đường nét mỹ thuật sẵn có từ mỗi phía của gốc cây nguyên liệu.
Anh Liếp cho biết cái khó trong nghề này là phải không ngừng sáng tạo và thật sự tâm huyết với nó. Chữ nhẫn không thể thiếu ở người nghệ nhân. Người nghệ nhân cũng cần có một đôi mắt quan sát tinh tế, sự tỉ mỉ và sâu sắc mới có thể tạo tiết đặc sắc, sống động như thật. Anh ví dụ, chạm khắc một con sư tử thành công thì không thể không tập trung vào phần mặt và những cơ bắp cuồn cuộn. Sắc thái hung tợn, sống động phải thể hiện được trên cả đôi mắt, thế đứng, dáng nằm và khi các con vật đang đấu nhau. Giá trị nghệ thuật nằm ở chỗ đó. Đôi tay tài hoa của nghệ nhân hơn nhau cũng là ở đây.
Đôi tay của người thợ điêu khắc chạm trổ có thể thô kệch, thậm chí chai sần, nhưng đó là bằng chứng cho những năm tháng họ ròng rã cống hiến, làm đẹp cho đời. Trong từng tác phẩm điêu khắc chạm trổ của anh Liếp luôn ẩn chứa tình yêu, niềm đam mê và sáng tạo...