Một đại biểu...
* Thưa anh, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh đã qua 7 nhiệm kỳ và đây là lần đầu tiên có người của giới báo chí được cử tri tín nhiệm chọn làm người đại diện cho mình. Điều đó hẳn đã cho anh nhiều cung bậc cảm xúc?
- Khi được tin trúng cử, tôi rất vui vì được bà con tín nhiệm, nhưng đồng thời cũng thấy trách nhiệm nên cũng có những suy tư. Bây giờ tôi không phải chỉ là nhà thơ Kim Ba, là thành viên của Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu nữa mà tôi còn phải theo dõi, có sự quan tâm tổng quan hơn về văn hóa, báo chí, văn học - nghệ thuật của tỉnh nói chung. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải gắn bó với bà con nhiều hơn để lắng nghe, để phản ánh nguyện vọng chính đáng của họ.
* Vậy trong quá trình tiếp xúc cử tri, có đề xuất nào làm anh phải suy nghĩ nhiều?
- Xã hội đang phát triển thì phải nảy sinh những vấn đề này khác, trong đó có nhiều cái “bất như ý” mà bà con phản ánh đều rất xác đáng. Có một ý kiến hết sức đáng lưu tâm là cử tri đặt vấn đề vì sao báo chí của tỉnh ít thể hiện tính phản biện. Bà con phản ánh thời gian qua có một số tờ báo - đặc biệt là báo ngoài tỉnh có những bài viết, thậm chí có những phát biểu sai lệch nhưng không có ý kiến phản biện từ báo tỉnh. Thật ra, chính báo chí cũng phải làm việc với ngành mình để làm sao có bài phản biện sâu sắc, kịp thời, có tác dụng định hướng cao nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vì vậy, mục lý luận phê bình là yêu cầu cần phải có không chỉ với Tạp chí Văn học nghệ thuật như hiện nay mà còn với cả với tờ báo Đảng và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
* Và anh có dự định gì?
- Tôi đã hoạch định các hoạt động của mình qua chương trình hành động khi ra mắt cử tri. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới là ý tưởng ban đầu. Để thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tôi đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các chương trình, nghị quyết của tỉnh để nắm chắc định hướng về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tôi cố gắng để có sự vận dụng, đặc biệt là những nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều hoạt động khác của báo chí để có cái nhìn toàn diện nhằm xây dựng được chương trình cụ thể.
… Một nhà báo
* Từng có thời gian dài làm phóng viên kiêm biên tập viên, anh nhìn về giới báo chí của tỉnh hiện nay như thế nào?
- Tôi từng làm tập san của Sở Văn hóa - Thông tin, vừa là phóng viên vừa là biên tập viên. Anh em làm báo chúng ta bây giờ nói chung là tốt, có nhiều phấn đấu để có tác phẩm hay, phục vụ tốt cho xã hội. Nhưng cũng có một nhược điểm - cũng là cái yếu chung của giới báo chí các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đó là thiếu sự phản biện sắc bén, cần thiết, kịp thời. Báo chí cần mạnh dạn hơn nữa, thể hiện bản lĩnh chính trị hơn nữa, tức là dám nói dám chịu trách nhiệm và cần phát huy sự gần dân, sát với đời sống xã hội hơn.
* Anh có dự định sẽ đem tiếng nói của người vừa là hội viên, là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh vào chương trình nghị sự của một đại biểu HĐND?
- Đó là trách nhiệm mà tôi ý thức được. Mặc dù tôi đứng chân ở cơ quan Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, nhưng tôi ý thức được mình đang thực hiện vai trò của người đại biểu nhân dân, được tin cậy, được gửi gắm hoạt động rộng hơn nhiều. Nếu giữ vai trò này rồi mà chỉ thiên về văn học, nghệ thuật thì không đóng góp được gì nhiều cũng như chưa làm tròn trách nhiệm của người đại biểu. Và chắc chắn, tôi sẽ có tiếng nói của người làm báo trong thực hiện nhiệm vụ mới của mình.
…Và một nhà thơ Kim Ba
* Thỉnh thoảng tôi cũng đọc thơ Kim Ba và cả những bài viết ngắn, đặc biệt dành cho thiếu nhi. Đó là một Kim Ba rất đời thường, rất gần gũi với nông thôn, với người nghèo. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm về sự hòa quyện giữa nhà thơ và nhà báo, như lời anh nói “làm báo phải mang tiếng nói của người dân”?
- Một trong những đặc điểm của thơ là sự chia sẻ, sự đồng cảm. Tôi sống ở nông thôn từ nhỏ, gần gũi với người nông dân nên những khổ cực, những gian lao, vất vả của họ trên đồng ruộng mình có am hiểu nhiều hơn. Còn về báo chí, tôi nghĩ rằng tùy theo sự quan tâm cá nhân của mỗi nhà báo. Mỗi người có sự quan tâm riêng, có khi họ chú trọng đến lĩnh vực nào đó mà họ gần gũi, quen biết. Có điều, nếu chú trọng đến lĩnh vực nào thì không phải chỉ nhà báo mà cả nhà thơ, nhà văn đều phải cố gắng làm chủ lĩnh vực đó để đi sâu, đi sát mà phát hiện vấn đề. Trong ngành báo cũng như trong ngành văn học, nghệ thuật có điểm chung lớn nhất là sự phát hiện vấn đề. Nếu phát hiện ra vấn đề và hiểu rõ vấn đề thì sẽ có bài thơ hay, bài báo hay.
* Một nhà thơ Kim Ba rất quan tâm đến thiếu nhi. Vậy khi là đại biểu HĐND, anh quan tâm đến thiếu nhi như thế nào, có khác với nhà thơ Kim Ba?
- Một Kim Ba khi làm thơ thì dù cho người lớn hay cho thiếu nhi đều đặt toàn tâm toàn ý với tác phẩm của mình. Làm thơ thiếu nhi giống như “trả nợ” tuổi thơ của mình cho nên bước vào nghề tôi làm thơ thiếu nhi nhiều hơn thơ người lớn. Sau này thì ngược lại. Với tư cách là đại biểu HĐND tỉnh, tôi “trả nợ tuổi thơ” của mình bằng cách quan tâm đến vấn đề giáo dục và văn hóa. Khi có những vấn đề gì liên quan đến thiếu nhi, tôi sẽ rất sẵn lòng ghi nhận và có trách nhiệm phản ánh, đề xuất với ngành chức năng theo đúng chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.