​Trung Quốc nối lại hoàn toàn hoạt động đi lại với Hong Kong, Macau (Trung Quốc)

03/02/2023 - 17:18

Ngày 3-2, Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau (Trung Quốc) thông báo từ ngày 6-2 tới, hoạt động đi lại giữa Trung Quốc đại lục và 2 khu hành chính đặc biệt này sẽ được nối lại hoàn toàn.

Hành khách tại sân bay quốc tế Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hành khách tại sân bay quốc tế Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo đó, các quy định hiện hành bắt buộc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và hạn chế số người qua lại sẽ được dỡ bỏ. Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại các đường biên giới từ ngày 8-1 sau khi từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 từ tháng 12-2022.  

Ngày 2-2, Cơ quan Y tế Công cộng Canada thông báo nước này sẽ gia hạn đến ngày 5-4 tới đối với quy định hành khách đi máy bay từ Trung Quốc, Hong Kong và Macau (Trung Quốc) muốn nhập cảnh Canada phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Yêu cầu này hiện có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 5-1. Theo thông báo của cơ quan trên, quyết định gia hạn được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có các báo cáo cho thấy số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng tại Trung Quốc.

Trong khi đó, từ ngày 2-2, những người đi các tuyến xe buýt và tàu hỏa đường dài tại Đức không bắt buộc đeo khẩu trang, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thuyên giảm tại nước này sau gần 2 năm hoành hành. Trước đó, một số bang đã dỡ bỏ quy định này.

Trong bối cảnh số ca mắc mới giảm, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach đề xuất chấm dứt toàn bộ quy định bắt buộc đeo khẩu trang từ tháng 4 tới, song tiếp tục khuyến cáo mọi người tự giác đeo khẩu trang. Các biện pháp còn lại, bao gồm việc bắt buộc bệnh nhân COVID-19 tự cách ly và yêu cầu đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, cũng sẽ sớm được dỡ bỏ.

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 tại Đức đã giảm từ khoảng 160 ca/100.000 dân đầu năm 2023 xuống còn 92 ca ngày 2-2.

Cùng ngày, nhà sản xuất vaccine BioNTech của Đức thông báo đang nâng cấp một trong những nhà máy của công ty tại khu vực Marburg của bang Hesse với kinh phí 40 triệu euro (43,7 triệu USD) để tạo ra plasmid (các phân tử ADN tròn và nhỏ) riêng của hãng, phục vụ cho hoạt động sản xuất vaccine.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN