“Văn hóa giao thông” góp phần kéo giảm tai nạn giao thông

18/10/2012 - 16:03
Tai nạn giao thông xảy ra gần cầu Hàm Luông vào khoảng 11 giờ ngày 16-10-2012, khu vực xã Bình Phú (TP. Bến Tre).

Khi tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thì ông bà mất cháu, cha mất con, vợ mất chồng… Có gia đình từ khá giả phải chịu cảnh nghèo khó, do phải nuôi người thân bị TNGT.

“Năm 2006, trong ngày liên hoan mừng tốt nghiệp Cao đẳng Bến Tre, con tôi là Nguyễn Tài Phú bị chấn thương sọ não, do xe hon-da chạy ngược chiều lao vào. Từ khi nuôi con bị TNGT tới giờ, gia đình tôi trở thành hộ nghèo vì đã bán hết đất để chạy chữa” - ông Nguyễn Văn Thanh, 60 tuổi, ở ấp Vĩnh Phú (Vĩnh Thành - Chợ Lách) buồn rầu tâm sự.

Qua thông tin thu thập từ nhiều nguồn và cơ quan cảnh sát giao thông (CSGT), nguyên nhân chính gây TNGT là do người tham gia giao thông không chấp hành “Văn hóa giao thông”. Theo những nhà nghiên cứu “Văn hóa giao thông”, thì chỉ cần thực hiện “ba có, bốn không” là thực hiện “Văn hóa giao thông”.

“Ba có” là: Có hiểu biết đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ, đường thủy; Có ý thức trách nhiệm cao nhất đối với bản thân và cộng đồng; Có hành vi ứng xử mang tính văn hóa, hợp tác, giúp đỡ người bị TNGT.

“Bốn không”là: Không uống rượu, bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, điều khiển xe khi chưa đủ điều kiện (giấy tờ xe theo quy định, độ tuổi); Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ an toàn giao thông; Không ứng xử mất văn hóa với người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra TNGT; Không để xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông.

Tuy dễ thực hiện như vậy, nhưng trên thực tế vẫn có người làm ngơ với “ba có, bốn không”. Tại các ngã tư đèn xanh, đèn đỏ ở TP. Bến Tre và các huyện, vẫn có người vượt đèn đỏ khi có CSGT đứng gác. Đến khi CSGT truy đuổi, có người dừng lại, có người cố tình chạy luôn... Lại có người điều khiển xe gắn máy, xe mô-tô rẽ trái nhưng bật đèn xi-nhan bên phải, hoặc ngược lại. Cũng có người cho xe chạy vù vù nhưng đèn xi-nhan cứ chớp liên hồi. Ở nông thôn vẫn có người còn quan niệm rằng xe lớn phải tránh xe nhỏ. Vì vậy, khi ra thị thành, họ đã gây TNGT. Lại có người đi xe đạp, khi vừa đưa tay làm tín hiệu xin rẽ, nhưng chưa quan sát đường, đã rẽ ngay…, dẫn đến việc xảy ra TNGT. Còn rất nhiều những hành vi vi phạm an toàn giao thông, như: chạy xe hàng ba, hàng bốn để dễ nói chuyện; vừa lái xe vừa nghe điện thoại; quay đầu xe không đúng nơi quy định; vào ban đêm, có những xe mô-tô pha đèn cực sáng, làm cho người lái xe ngược chiều bị chói mắt, đảo tay lái. Có những vụ tai nạn chỉ là va quẹt nhưng không ai chịu nhận lỗi, mà cứ cãi vã với nhau để giành phần thắng về mình. “Văn hóa giao thông” không chỉ nói về TNGT mà còn nói đến trang phục của người tham gia giao thông.

Để kéo giảm TNGT, người lái xe hãy nhớ đến mạng sống, tương lai của bản thân, gia đình mình và người khác, tuyệt đối chấp hành “Văn hóa giao thông”.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN