“Vịt chạy đồng” thưa thớt và những hệ lụy

10/09/2012 - 07:26

Huyện Ba Tri được xem là vựa lúa lớn nhất của tỉnh. Đi kèm theo phát triển cây lúa, việc chăn nuôi vịt chạy đồng cũng được xem là một thế mạnh của huyện. Nhiều người ví von, con vịt ăn mót lúa đổ (thất thoát trong thu hoạch) giúp người nuôi làm giàu.

Đối với hàng trăm hộ dân ở huyện Ba Tri và các huyện lân cận, nuôi vịt vừa tạo việc làm, vừa có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều hộ nuôi vịt hàng chục năm liền và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hộ nuôi thường hốt vịt con trước thời điểm vụ lúa thu hoạch 1 tháng. Sau khi thu hoạch xong, hộ nuôi lùa vịt xuống đồng “ăn mót” lúa rơi vãi. Sau vài tháng chạy đồng, vịt đạt trọng lượng hoặc đem bán thịt hoặc tiếp tục nuôi lấy trứng.

Với cách nuôi này, người nuôi không tốn chi phí thức ăn, vịt nhanh lớn, nguồn thu nhập ổn định. Nhưng có lẽ đây là câu chuyện của những năm về trước. Còn hiện nay, dù đang vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Hè - Thu, cánh đồng mẫu của huyện Ba Tri rộng mênh mông nhưng “vịt chạy đồng” lại thưa thớt. Ông Đặng Văn Xuân - nhân viên thú y xã Mỹ Hòa cho biết, thời gian gần đây, nuôi vịt cho đẻ lấy trứng lẫn nuôi vịt thịt đều bị lỗ nặng nên số người nuôi giảm dần. Hộ nuôi có quy mô đàn cũng giảm. Một số hộ chỉ nuôi vài chục con để dành cho đám tiệc trong gia đình. Ở những vụ lúa trước, khi vào vụ, Mỹ Hòa có số lượng vịt tái đàn (nuôi vịt thịt) trung bình không dưới 25.000 con nhưng vụ lúa này đã giảm hơn 70%. Nếu tình trạng nuôi tiếp tục bị lỗ thì trên cánh đồng sẽ vắng bóng đàn vịt.

 Anh Nguyễn Văn Phụng, cũng ở xã Mỹ Hòa cho biết, thời cha của anh đã nuôi vịt và đến anh tiếp tục nuôi vịt. Gần đây, nuôi vịt không còn lãi, có lúc phải chịu lỗ. Hiện, anh nuôi 350 con vịt đẻ. Thời điểm chưa vào vụ lúa thu hoạch, mỗi ngày gia đình anh phải mua 2,5 bao thức ăn (giá 250.000 đồng/bao) và phải trộn thêm hơn 10kg lúa cho vịt ăn. Trong khi đó, vịt chỉ đẻ 200 trứng, giá 2.300 đồng/trứng và tiền thuê người giữ vịt 100.000 đồng/ngày. Tính cộng trừ hết các khoản chi phí thì mỗi ngày đều phải chịu lỗ. Trước đây, vụ lúa thu hoạch kéo dài gần 1 tháng, vịt ăn lúa rơi vãi hết đồng này thì lùa đến đồng khác. Không phải tốn chi phí thức ăn, vịt vẫn đẻ trứng đều đặn. Gần đây, các hộ dân xuống vụ gieo sạ đồng loạt để né rầy, nên lúa thu hoạch chỉ vài ngày là kết thúc và làm đất để gieo sạ vụ mới. Người nuôi vịt lấy trứng hoặc nuôi vịt thịt đều phải mua thức ăn gần xuyên suốt. Vịt thịt nuôi bán với giá trên 40.000 đồng/kg mới có lãi nhưng thực tế chỉ bán được 28.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Ru, chủ lò ấp vịt ở xã Mỹ Chánh cho rằng, nuôi vịt không có lợi nhuận, số hộ nuôi giảm dần và kéo theo một loạt hệ lụy khác. Hơn 20 năm tiếp quản nghề ấp vịt từ người cha, đây là lần đầu tiên ông đối mặt với khó khăn. Từ năm 2011 trở về trước, cứ luân phiên một ngày nghỉ và một ngày có vịt con xuất ổ. Trung bình mỗi lần ấp, nở không dưới 15.000 con. Nhiều hộ dân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long mua vịt con về nuôi ăn đồng trở thành mối, khi cần điện thoại là ông chuyển vịt con đến. Trước Tết âm lịch năm 2012 khoảng một tháng, người nuôi vịt bắt đầu giảm lợi nhuận và diễn biến theo chiều hướng ngày càng bất lợi hơn. Quí I-2012, lò ấp của ông xuất bán 15.000 con/lần nhưng sang quí II-2012 giảm còn phân nửa, đến quí III-2012 chỉ ấp cầm chừng. Trứng vịt mua về ấp thành vịt 1 ngày tuổi, giá thành lên đến 8.000 đồng/con. Khi vịt nở lại không có người mua, các chủ lò ấp phải giảm giá bán dần xuống còn hơn 2.000 đồng/con. Do đó, giá trứng  mua vào từ 4.200 đồng giảm còn 2.300 - 2.500 đồng/trứng. Hệ lụy, lò ấp thu mua trứng với giá thấp, người nuôi vịt đẻ bị lỗ nên không nuôi vịt nữa. Ông Nguyễn Văn Ru đã liên kết bán thức ăn trả chậm cho hơn 20 hộ nuôi vịt đẻ để thu gom trứng về ấp nở vịt con. Hiện chỉ còn 5 hộ nuôi vịt cung cấp trứng cho lò ấp của ông.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Trạm thú y huyện Ba Tri, hiện trên địa bàn huyện chỉ còn 44 lò ấp vịt, giảm 4 lò so với đầu năm 2012. Hầu hết các lò ấp đều hoạt động cầm chừng do đầu ra không tiêu thụ được. Từ đầu năm đến nay, có lò ấp phải chịu lỗ vài trăm triệu đồng, những lò ấp quy mô lớn lỗ ngoài 1 tỷ đồng. Từ người nuôi vịt đến chủ lò ấp đều bị lỗ. Trước đây, các lò ấp trên địa bàn huyện, mỗi tháng xuất bán vịt con 1 ngày tuổi trung bình từ 600.000 - 650.000 con, hiện chỉ còn 22.000 - 25.000 con/tháng. Các xã An Ngãi Trung, An Phú Trung, Mỹ Chánh, Vĩnh Hòa nuôi vịt đẻ, với quy mô đàn lớn. Cao điểm tổng đàn từ 300.000 - 350.000 con, hiện đã giảm còn phân nửa. Còn vào vụ lúa, vịt nuôi tái đàn phải từ 160.000 - 170.000 con, nay giảm còn hơn 14.000 con. Tất cả đều do nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng, ấp trứng đều không có lãi và bị lỗ nặng nề. Nhiều người không còn mặn với nuôi vịt.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN