“Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”

18/03/2016 - 07:36

Tài liệu giới thiệu về làng nghề dệt chiếu truyền thống - một thế mạnh kinh tế của huyện Châu Thành.

Dưới góc nhìn văn hóa, tài liệu Dạy - học lịch  sử, địa lí địa phương tỉnh Bến Tre (của nhóm tác giả Sở Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT) không chỉ cung cấp khá đầy đủ các kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lí địa phương mà còn sinh động và gần gũi, dễ tiếp thu đối với học sinh tiểu học, giúp các em hiểu và thêm yêu quê hương mình.

Sở GD&ĐT vừa có công văn gởi các phòng giáo dục huyện, thành phố hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục địa phương ở môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học, bắt đầu từ năm học 2015-2016. Đồng thời, cho ra đời quyển tài liệu Dạy - học lịch sử, địa lí địa phương tỉnh Bến Tre nhằm phục vụ việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT. Mỗi bài có phần ghi nhớ và câu hỏi giúp học sinh hệ thống kiến thức, đồng thời khơi gợi óc tìm tòi, sự ham thích khám phá về quê hương mình.

Vì sao người ta hay gọi Bến Tre là quê hương của ba dải cù lao? Di tích xứ Dừa có gì hay, đẹp? Khi học bài Lược sử hành chính tỉnh Bến Tre và bài Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre sẽ giúp các em nhỏ giải đáp các câu hỏi đó. Bởi, Bến Tre là vùng đất nằm giữa bốn con sông gồm: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên và được hợp thành bởi ba cù lao lớn: An Hóa, Bảo và Minh. Diện tích tự nhiên khoảng 2.360km2, giáp các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Biển Đông với chiều dài 65km bờ biển.

Đồng thời, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bến Tre để biết rằng cách nay khoảng 2.000 - 2.500 năm, vùng đất ta đang ở đã có dấu vết cư trú của con người, đến đầu thế kỷ XVII, khi lưu dân người Việt đến khai hoang, lập nghiệp thì Bến Tre vẫn còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Đến 1-1-1900, Bến Tre được gọi là tỉnh. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Bến Tre thành tỉnh Kiến Hòa. Sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, tỉnh Kiến Hòa được đổi tên về tên cũ là tỉnh Bến Tre, lúc này, cơ sở địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi. Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 8 huyện, 1 thành phố. Tài liệu còn in những hình ảnh của Bến Tre theo từng giai đoạn lịch sử từ năm 1900 đến nay.

Bài Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre cung cấp cho học sinh khái niệm, giá trị, cách phân loại và xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa. Biết một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bến Tre. Tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương; có ý thức bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Với 14 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh, bằng hình ảnh in màu sinh động kèm những thông tin được cô đọng, tài liệu như một quyển cẩm nang kể về lịch sử đấu tranh giành độc lập của người dân Bến Tre qua các di tích lịch sử Đồng Khởi, Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, văn hóa đình làng với những truyền thống trăm năm vẫn tròn ở Đình Phú Lễ, Đình Bình Hòa, Đình Rắn và những danh nhân lưu danh như cụ Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản…

Phần Địa lí địa phương tỉnh Bến Tre cho các em nhỏ thêm hiểu những thế mạnh, yếu về điều kiện tự nhiên của quê hương mình. Bài viết mang đến kiến thức về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, dân cư tỉnh Bến Tre. Giúp các em học sinh rèn luyện kỹ năng đọc lược đồ tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long, lược đồ tự nhiên tỉnh Bến Tre. Mô tả những thế mạnh kinh tế tiêu biểu của tỉnh Bến Tre, giải thích vì sao Bến Tre có được những thế mạnh tiêu biểu đó. Và cuối cùng là địa lí các huyện, thành phố thuộc tỉnh Bến Tre, với những đặc trưng, sắc màu riêng về địa lí, kinh tế và văn hóa mỗi địa phương.

Thầy Trần Văn Liêm - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT -  thành viên nhóm tác giả tài liệu này cho biết: Nhóm tác giả đã cố gắng biên soạn một tài liệu sát thực tế, đơn giản và gần gũi để giáo dục phù hợp với lứa tuổi của các em, hy vọng các em sẽ ham thích hơn khi học về lịch sử, địa lí quê hương mình.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN