Ban Kinh tế Trung ương khảo sát về tạo việc làm tại chỗ huyện Chợ Lách

12/09/2020 - 19:12

BDK.VN - Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tốn cùng cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thủy lợi đã đến huyện Chợ Lách khảo sát tình hình tạo việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Đức tiếp và làm việc với đoàn.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Văn Tùng  phát biểu tại buổi làm việc.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc.

Giai đoạn 2010 - 2019, công tác tạo việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM luôn được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và xã, thị trấn của huyện Chợ Lách xác định là nhiệm vụ quan trọng; triển khai tốt Chương trình MTQG xây dựng NTM; đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện mở 191 lớp nghề, gần 5.300 học viên tham gia, sau học nghề có gần 89% học viên có việc làm. Đến nay, toàn huyện có trên 92% người trong độ tuổi lao động có việc làm. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt gần 26%.

Hoạt động nâng cao năng lực đào tạo nghề; phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn. Đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu, xây dựng các chuỗi giá trị, các làng nghề trong sản xuất, kết hợp phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã tạo việc làm tại chỗ ổn định cho lao động nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Dịp này, lãnh đạo huyện đề nghị Trung ương nghiên cứu, bổ sung, tăng cường chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn của thị trấn; đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; các nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn hỗ trợ sinh hoạt và phát triển sản xuất bền vững.

Thông qua việc khảo sát sẽ là cơ sở đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030.

Tin, ảnh: Ngọc Lãm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích