Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông là vi phạm pháp luật

21/10/2020 - 21:24

BDK.VN - Tai nạn giao thông (TNGT) là sự việc ngoài ý muốn của người tham gia giao thông, tuy nhiên việc gây TNGT rồi bỏ trốn khỏi hiện trường là hành vi vi phạm về mặt đạo đức, vi phạm quy tắc ứng xử trong văn hóa giao thông, vi phạm pháp luật.

Tiến hành thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn giao thông do người gây ra tai nạn bỏ trốn tại đường cảng Giao Long.

Tiến hành thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn giao thông do người gây ra tai nạn bỏ trốn tại đường cảng Giao Long. 

Trách nhiệm pháp lý

Rạng sáng ngày 3-10-2020, người dân trên tuyến tránh quốc lộ 60 thuộc khu vực xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam không khỏi bàng hoàng khi phát hiện một nam giới nằm bất động cùng vũng máu bên cạnh xe mô tô mang biển kiểm soát tỉnh Trà Vinh có nhiều vết trầy xước. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Mỏ Cày Nam nhanh chóng đến hiện trường phối hợp với lực lượng chức năng truy tìm người liên quan gây ra tai nạn sau 2 ngày. Khi bị cơ quan công an phát hiện thì lái xe tên N.V.B.T, 55 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre mới thừa nhận là điều khiển xe đầu kéo có va chạm với xe mô tô nhưng do sợ quá mới bỏ trốn.

Khi nói về các vụ TNGT mà người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, Thiếu tá Nguyễn Đặng Hữu Trí - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Trong các vụ TNGT đều có lỗi từ các bên có liên quan và phát sinh trách nhiệm pháp lý, có thể là hành chính hoặc hình sự. Người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường chủ yếu là trốn tránh trách nhiệm pháp lý do hành vi mình gây ra. Thông thường họ biết được hành vi của mình nhưng do tâm lý sợ bị xử lý nên họ cố tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm. Lợi dụng vào sự mất cảnh giác, mất khả năng kiểm soát của người bị tai nạn hay các tuyến đường vắng, ít người tham gia giao thông để chạy trốn hoặc cố tình xóa đi các dấu vết trên phương tiện để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Trước đó, vào lúc 0 giờ 55 phút, ngày 15-6-2020 cũng trên tuyến tránh quốc lộ 60 thuộc khu vực xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, anh Đ.H.Đ sinh năm 1992, ngụ xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, điều khiển xe mô tô biển số 71B2 – 787.64 lưu thông hướng từ Trà Vinh về Bến Tre thì bị một xe ô tô con đụng từ phía sau tới. Sau khi gây tai nạn, lái xe ô tô tiếp tục điều khiển xe đi tiếp, anh Đ bị thương nặng, được nhân dân đưa đi cấp cứu và tử vong sau đó 10 ngày.

Hành vi pháp luật nghiêm cấm

Theo Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm. Ngoài ra, các hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là một trong những hành vi bị pháp luật áp dụng mức xử phạt cao hơn những hành vi thông thường như: Đối với người điều khiển xe ô tô nếu gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền… sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng theo Nghị định số 100 của Chính phủ.

Đối với người điều khiển xe mô tô nếu thực hiện hành vi này sẽ bị áp dụng mức xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng. Tại Khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm... bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn…

Tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT cụ thể như sau: Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu...

Hành động dừng lại, giữ nguyên hiện trường khi liên quan đến TNGT hay cứu giúp người bị TNGT là hành động nhân văn, thể hiện tính nhân đạo, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta nên nghiêm túc thực hiện để từng bước xây dựng nền văn hóa giao thông tiên tiến, văn minh.

Hành vi bỏ trốn sau khi gây TNGT để trốn tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện ý thức, đạo đức, trách nhiệm của người gây ra tai nạn và đi ngược lại với nền văn hóa giao thông đang xây dựng hiện nay. Những hành vi này sẽ  bị xem xét để có căn cứ định mức xử phạt hoặc định mức hình phạt khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Luật sư Trần Nhật Long Huy, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre)

Thủy Tiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN