Cảnh báo tai nạn giao thông đối với người đi bộ

05/10/2020 - 19:19

BDK.VN - Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bến Tre, trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 151 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 125 người, bị thương 65 người, tài sản thiệt hại khoảng 570,9 triệu đồng. Trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra có 19 vụ liên quan đến người đi bộ, làm chết 20 người, bị thương 2 người, chiếm khoảng 15,2 % tổng số vụ. Đây là thực trạng cần đặc biệt quan tâm đối với việc tham gia giao thông.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 18 giờ ngày 13 tháng 01 năm 2020 trên Quốc Lộ 60 thuộc ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 18 giờ ngày 13-1-2020 trên quốc lộ 60 thuộc ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre

Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn chủ yếu là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không nhường đường cho người đi bộ. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều vụ tai nạn giao thông do người đi bộ chưa chấp hành đúng nguyên tắc khi tham gia giao thông như: Đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát để đảm bảo an toàn trước khi đi qua đường. Về thiệt hại: Đa số các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ thì dù đúng hay sai người đi bộ luôn bị thiệt hại nặng nhất. Qua thống kê cho thấy, trong 19 vụ tai nạn giao thông xảy ra có 18 người đi bộ tử vong và 2 người đi bộ bị thương.

Để bảo đảm an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định một số quy tắc sau:

Tại Khoản 4, Điều 11 quy định: “Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ qua đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, thì người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, nếu thấy người đi bộ đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ qua đường bảo đảm an toàn”.

Tại Điều 32 quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dẫn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường”.

Theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, thì người đi bộ có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các hành vi sau: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Người đi bộ nếu đi sai luật không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì người tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ nếu đi sai luật và là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm theo Điều 260 của Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tin, ảnh: Hữu Trí

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN