Châu Thành đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất

05/03/2021 - 06:57

BDK - Hiện nguồn trữ ngọt của huyện phục vụ cho sản xuất vẫn đảm bảo”, ông Trần Văn Tiền - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành nhận định.

Đập Cầu Sữa lúc đang thi công.

Đập Cầu Sữa lúc đang thi công.

Theo quan trắc của cơ quan khí tượng thủy văn, khả năng năm nay mặn xâm nhập cao tương đương năm 2015-2016. Những ngày cuối tháng 1-2021 độ mặn tăng đột biến, cao nhất ở phía sông Tiền, mặn lên đến 9%o tại xã Giao Hòa; trên sông Hàm Luông tại Mỹ Hóa 5,6%o; tại An Hiệp 4,5%o. Tháng 2-2021, mặn giảm nhẹ nhưng luôn duy trì ở mức khá cao, nhất là phía sông Hàm Luông, đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện. Dự báo từ nay đến hết mùa khô năm 2021, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp nên các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó.

Các địa phương đã tiến hành khảo sát các vị trí chưa có công trình cống ngăn mặn tổ chức đắp các đập tạm để trữ nước; đồng thời, vận động người dân trên địa bàn huyện bằng mọi giải pháp và phương tiện hiện có để trữ nước. Các xã dự kiến đắp 59 đập, đến nay các xã đã đắp xong 20 đập, nếu mặn gay gắt như năm 2019-2020 thì sẽ triển khai đắp tiếp các đập còn lại.

Huyện được sự quan tâm của các ngành chuyên môn tỉnh, nhất là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre có lịch vận hành các cống phù hợp, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến mặn hàng ngày để điều chỉnh vận hành các cống ngăn mặn từ phía các sông lớn như sông Tiền, sông Hàm Luông xâm nhập vào nội đồng trên địa bàn huyện. Hiện phía sông Hàm Luông, độ mặn duy trì ở mức cao nên huyện đã chỉ đạo đóng tất cả các cống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, bắt đầu từ cống Sông Mã của xã Sơn Đông lên đến cống Cái Cùng của xã Tân Phú. Toàn tuyến trên sông Hàm Luông đã chủ động đóng các cống ngăn mặn. Riêng phía sông Tiền, từ xã Tân Phú xuống đến xã An Khánh, đầu năm đến nay mặn chưa xâm nhập, nước sông còn đảm bảo cho việc tưới tiêu; từ xã Tân Thạch, Quới Sơn trở xuống vàm Giao Hòa (nay là xã Giao Long), độ mặn có tăng nhưng không gay gắt như phía sông Hàm Luông. Hệ thống cống từ Giao Long đến xã Tân Phú còn cho mở tự do để lấy nước điều tiết vào hệ thống thượng nguồn sông Ba Lai. Đến thời điểm này, nguồn trữ ngọt của huyện để phục vụ cho sản xuất vẫn đảm bảo.

Phòng xâm nhập mặn từ phía sông Ba Lai vào khu vực trữ nước của tỉnh, thay vì đắp đập tạm trên sông Ba Lai như năm trước thì năm nay, UBND tỉnh giao Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đắp các đập gồm đập Sông Mã của xã Tam Phước, đập Cầu Sữa và đập Tam Dương xã Tường Đa, các đập này đã thực hiện xong; đập tạm Thành Triệu giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh thực hiện. Đắp các đập này đã tạo nên vùng khép kín trữ nước ngọt để phục vụ cho các nhà máy nước của tỉnh và các nhà máy nước trên địa bàn huyện. Việc UBND tỉnh quyết định đắp một loạt các đập ngăn mặn này tiết kiệm kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Tiền - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: Bên cạnh các đập ngăn mặn thì các xã phía Bắc sông Ba Lai từ Giao Long lên xã Tân Thạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư các cống; các xã từ Tân Thạch đến Phú Đức, Tân Phú đã xây dựng 27 cống nằm trên tuyến đường của dự án phát triển du lịch các xã ven sông Tiền, tất cả đều không có nắp. Ban Quản lý dự án huyện đã đầu tư hoàn chỉnh các nắp cống đưa vào vận hành. Các cống, đập ngăn mặn đều có thể đóng mở khi cần thiết. Cái khó hiện nay là khi đắp các đập tạm và đóng các cống ngăn mặn từ phía Hàm Luông thì môi trường nước bên trong cống và sau các đập đắp ô nhiễm nhanh, khó khăn trong quản lý nguồn xả thải trong sinh hoạt, chăn nuôi của các hộ dân.

Để ứng phó xâm nhập mặn có hiệu quả thì các ngành quản lý về tài nguyên môi trường cần có giải pháp kết hợp lãnh đạo các địa phương quản lý chặt chẽ, khuyến cáo người dân hạn chế nguồn xả thải, đối với hộ chăn nuôi vịt và heo có giải pháp quản lý xả thải, giảm đàn trong mùa hạn mặn để bảo vệ nguồn nước. Huyện sẽ phối hợp với Trạm Quản lý khai thác công trình của tỉnh quan trắc theo dõi tình hình diễn biến mặn để có kế hoạch điều chỉnh vận hành các cống phù hợp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích