Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

30/11/2020 - 06:58

BDK - Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, có chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Hưởng ứng tháng hành động và thực hiện chiến lược quốc gia trong phòng, chống AIDS, cả nước phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1 ngàn ca mỗi năm vào năm 2030.

Hoạt động tư vấn, xét nghiệm của nhóm MSM.

Hoạt động tư vấn, xét nghiệm của nhóm MSM.

Chiến lược Quốc gia

Ngày 14-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược Quốc gia là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Đây cũng là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.

 Để đạt được mục tiêu này, cả nước phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1 ngàn ca mỗi năm vào năm 2030. Cần phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu. Trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 cũng đã đề xuất một số các nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm các nhóm giải pháp về chính trị, xã hội. Cụ thể, nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách; về chuyên môn kỹ thuật; về đảm bảo tài chính; về nguồn nhân lực; về cung ứng thuốc, sinh phẩm thiết yếu và hợp tác quốc tế. Nhóm giải pháp này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của địa phương và tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng bao gồm cả cộng đồng người nhiễm HIV trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020, Việt Nam có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Nhìn lại 30 năm qua, Việt Nam đã có một hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS rất chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Tại Trung ương có Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với các thành viên là lãnh đạo của các bộ, ban, ngành, đoàn thể. Việc thành lập một Ủy ban đã thể hiện rõ quan điểm cần phải phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS. Ngành y tế - cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS cũng đã có những đáp ứng về tổ chức một cách linh hoạt trong suốt 30 năm qua để có thể tham mưu và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Từ hướng dẫn của Trung ương, tại các địa phương cũng đã có một hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tương tự để đảm bảo vận hành việc ứng phó với đại dịch một cách hiệu quả.

Việt Nam đã tham dự tất cả các hội nghị thượng đỉnh về HIV/AIDS và luôn là một trong những quốc gia đầu tiên ký các cam kết về phòng, chống HIV/AIDS do thế giới và khu vực đề xuất, phát động. Đồng thời, Việt Nam được thế giới ghi nhận có hành lang pháp lý cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS khá hoàn chỉnh.

Triển khai tháng hành động tại tỉnh

UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS ngày 1-12 trên địa bàn tỉnh. Chương trình dự kiến kết thúc vào ngày 10-12-2020 với nhiều hoạt động trọng tâm tại 9 huyện, thành phố.

Đối với cấp huyện, tổ chức hội nghị, hội thảo về các chủ đề: Dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm các biện pháp dự phòng sớm và chủ động cho người dân như các mô hình cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV) như dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PEP); không phát hiện = không lây truyền (K=K). Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; đánh giá, tổng kết, kiểm điểm việc thực hiện các mục tiêu “90-90-90” vào năm 2030…

Ngoài ra, tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; không phát hiện = không lây truyền; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.

Chương trình nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng người tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu “90-90-90”, tạo đà cho giai đoạn mới với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

Ban Bí thư Trung ương Đảng 2 lần ban hành chỉ thị đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Luật Phòng, chống HIV/AIDS ra đời lần đầu tiên vào năm 2006 cũng đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành một dự luật về bệnh AIDS.

Chính phủ đã có 3 lần ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS; hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật gồm: chỉ thị, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư, hướng dẫn chuyên môn được ban hành tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo tính thống nhất chỉ đạo, huy động đa ngành và tăng cường thu hút đầu tư quốc tế vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN