Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2021

28/02/2021 - 14:30

Tăng lương giáo viên mầm non đến THCS; giáo viên không cần chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; hơn 1.800 nghề, công việc được về hưu trước tuổi... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2021.

Tăng lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư số 01, 02 và 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Những thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 20-3-2021.

Từ thời gian này, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng từng mức.

Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 đến 6,38 (khoảng từ hơn 3,1 triệu đến hơn 9,5 triệu đồng). Hiện, hệ số lương đang áp dụng dao động từ 1,86 đến 4,98 (khoảng từ hơn 2,7 triệu đến hơn 7,4 triệu đồng) với đối tượng này.

Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 đến 6,78 (khoảng từ gần 3,5 triệu đến hơn 10,1 triệu đồng. Trong khi đó, hệ số lương hiện nay của đối tượng này dao động từ 1,86 đến 4,98 (khoảng hơn 2,7 triệu đến hơn 7,4 triệu).

Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 đến 6,78 (khoảng gần 3,5 triệu đến hơn 10,1 triệu đồng). Hiện, đối tượng này đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 đến 6,38 (khoảng từ hơn 3,1 triệu đến hơn 9,5 triệu).

Như vậy, từ ngày 20-3-2021, lương giáo viên từ cấp mầm non đến THCS công lập sẽ tăng đáng kể so với trước đây.

Giáo viên không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Theo các Thông tư số 01 đến 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 20-3-2021 quy định rõ tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên và những vấn đề liên quan.

Theo tiêu chuẩn trong các thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ yêu cầu giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Nếu trước đây, chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng với từng hạng chức danh và chứng chỉ chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản là hai trong số các yêu cầu bắt buộc của giáo viên các cấp thì từ 20-3-2021 sẽ không còn quy định này.

Thay vào đó, giáo viên các cấp chỉ phải đáp ứng điều kiện trình độ, bồi dưỡng về bằng cấp cùng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng.

Những quy định này chỉ áp dụng với các giáo viên trường công lập.

Phạt nặng khi cho người khác “mượn” văn bằng, chứng chỉ

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP, phạt từ 5 - 10 triệu đồng với một trong các hành vi sau:

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác.

- Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình.

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Trong khi đó, quy định cũ tại Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, phạt tối đa 8 triệu đồng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác và sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.

Như vậy, kể từ ngày 10-3-2021, Nghị định số 04/2021 có hiệu lực đã bổ sung quy định xử phạt khi cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình. Theo đó, mức phạt tối đa với các hành vi trên là 10 triệu đồng.

Hơn 1.800 nghề, công việc được về hưu trước tuổi

Thông tư 11 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, về ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có hiệu lực từ ngày 1-3-2021.

Căn cứ Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, được về hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm.

Theo đó, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được đề cập trong Thông tư 11 gồm 1.838 nghề, công việc. Trong đó có các lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản; cơ khí luyện kim; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông…

Đặc biệt trong danh mục này còn có các ngành nghề sản xuất bia, rượu, bánh kẹo.

Thu nhập dưới 900.000 đồng/tháng ở thành thị thuộc diện chuẩn nghèo

Nghị định số 07 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có hiệu lực từ ngày 15-3-2021.

Theo đó, mức chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 được Chính phủ quy định là “có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 700.000 đồng trở xuống” ở khu vực nông thôn. Ở khu vực đô thị, mức này là từ 900.000 đồng trở xuống.

Giai đoạn từ 2022 - 2025, mức chuẩn nghèo đa chiều được Chính phủ quy định là “có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống” ở nông thôn và “có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống” ở thành thị.

8 trường hợp được xác định khám chữa bệnh đúng tuyến bảo hiểm y tế

Thông tư số 30/2020/TT-BYT hướng dẫn Nghị định số 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, quy định 8 trường hợp khám chữa bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến bao gồm:

(1) Đến khám chữa bệnh đúng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế. 

2) Thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện đi khám chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh.

Trường hợp trẻ em chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi khám chữa bệnh.

(3) Đi cấp cứu.

(4) Được chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định, bao gồm:

- Được chuyển tuyến theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYTngày 16-11-2015.

- Được chuyển tuyến theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CPngày 17-10-2018.

- Được chuyển tuyến theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 04/2016/TT-BYT ngày 26-2-2016.

(5) Có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

(6) Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến.

(7) Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.

(8) Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

Trong đó, (6), (7), (8) là những trường hợp mới được bổ sung.

(Hiện hành Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYT chỉ quy định 5 trường hợp).

Các chi phí vị thuốc y học cổ truyền được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán

Nội dung này được quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BYT sửa đổi Điều 5 Thông tư số 05/2015/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.

Theo đó, trường hợp cơ sở khám chữa bệnh mua dược liệu để chế biến, bào chế vị thuốc, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí dược liệu theo giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh và các chi phí sau:

- Chi phí hao hụt trong chế biến, bảo quản, cân chia (nếu có);

- Chi phí phụ liệu làm thuốc;

- Chi phí chế biến, bào chế bao gồm điện, nước, nhiên liệu;

- Chi phí bao bì đóng gói (nếu có);

- Chi phí nhân công thực hiện

- Chi phí quản lý và chi phí khấu hao máy móc.

Nếu mua vị thuốc từ các đơn vị cung ứng, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo giá vị thuốc mua vào của vị thuốc và chi phí hao hụt trong bảo quản, cân chia (nếu có).

Trường hợp có các chi phí phát sinh ngoài quy định trên, cơ sở khám chữa bệnh lập bản thuyết minh chi tiết để thống nhất với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế làm căn cứ thanh toán.

Kéo dài thời hạn bảo hiểm xe máy bắt buộc tối đa 3 năm

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-3-2021.

Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 03/2021, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm như sau:

- Thời hạn bảo hiểm tối thiểu 1 năm, tối đa 3 năm: Xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự.

- Thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm: Với các xe cơ giới còn lại.

Bên cạnh đó, bổ sung 1 trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm là xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an. Ngoài ra, 2 trường hợp còn lại vẫn giữ theo khoản 1 Điều 10 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.

Phương Nghi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN