Chủ động phòng chống bệnh Melioidosis

02/12/2020 - 06:51

BDK - Bệnh Melioidosis (hay còn gọi là bệnh Whitmore) là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra; có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Hiện nay, tỉnh chưa có ghi nhận ca bệnh Melioidosis nào. Tuy nhiên, theo Công văn số 1012/DP-DT của Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, từ đầu tháng 10-2020 đến nay, tại khu vực các tỉnh miền Trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Melioidosis. Bệnh Melioidosis tuy ít gặp, không gây thành dịch, nhưng thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Triều cường gây ngập nhiều nơi tiềm ẩn vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Ảnh Thanh Đồng

Triều cường gây ngập nhiều nơi tiềm ẩn vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Ảnh Thanh Đồng 

Bệnh thường tiến triển nặng

Theo thông tin truyền thông của ngành y tế, bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm Melioidosis thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm. Con người và động vật được cho là bị nhiễm trùng do hít phải bụi bẩn hoặc giọt nước bị nhiễm bẩn, uống phải nguồn nước bị ô nhiễm và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm. Đặc biệt, qua các vết trầy xước trên da. Bệnh gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, cả ở nam và nữ, thường thấy ở những đối tượng có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất và nước.

Vi khuẩn gây bệnh Melioidosis khi vào cơ thể sẽ thâm nhập vào bên trong các bộ phận, thường gặp nhất là ở phổi. Các cơ quan nội tạng như: gan, thận, tim, cơ, da và các tuyến tiêu hóa cũng có thể chứa vi khuẩn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đa dạng, với những triệu chứng như: lở loét da, lên cơn sốt (nhiều kiểu sốt bao gồm sốt cơn, sốt kèm theo lạnh run hoặc sốt kéo dài), viêm đường tiết niệu, viêm phổi, suy hô hấp, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng.

Khoảng thời gian tiếp xúc vi khuẩn gây bệnh và lúc xuất hiện các triệu chứng của bệnh không được xác định rõ ràng, nhưng có thể từ một ngày đến nhiều năm. Các triệu chứng thường xuất hiện sau 2 - 4 tuần tiếp xúc. Những người mắc bệnh lý về: tiểu đường, gan, thận, thalassemia, ung thư hoặc tình trạng ức chế miễn dịch khác không liên quan đến HIV, phổi mãn tính (như bệnh u xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh giãn phế quản) đều dễ bị mắc bệnh.

Bệnh thường có các dấu hiệu và triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao hoặc bệnh viêm phổi. Cụ thể, có thể nhầm lẫn bệnh nhiễm trùng cục bộ: đau hoặc sưng cục bộ, sốt, loét, áp xe; nhiễm trùng phổi, với biểu hiện: ho, đau ngực, sốt cao, đau đầu, chán ăn; nhiễm trùng máu: sốt, đau đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp, mất phương hướng; nhiễm trùng lan truyền: sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, động kinh.

Tăng cường phòng chống

Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện tăng cường công tác phòng, chống bệnh Melioidosis. Cụ thể, tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Melioidosis, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đặc biệt, tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis thì tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Melioidosis.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Melioidosis, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng chống. Phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống cho người dân; đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đặc biệt, chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Melioidosis.

Hiện chưa có vắc-xin phòng tránh và điều trị bệnh Melioidosis, người dân hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy. Đặc biệt, những nơi có ô nhiễm nặng. Khi tiếp xúc phải trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn. Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch trước và ngay sau khi tiếp xúc. Khi phát hiện triệu chứng và nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế đủ điều kiện để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.

Phan Hân (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN