Cựu chiến binh giúp nhau vượt khó làm giàu

28/12/2020 - 07:04

BDK - Mười năm qua, với những mô hình nổi bật, thiết thực như mô hình “5+1”, góp vốn xoay vòng, tạo quỹ tương trợ đồng đội, xây nhà Nghĩa tình đồng đội..., các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã đưa phong trào giúp nhau thoát nghèo đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 93 xã không còn CCB thuộc hộ nghèo, nhiều hội CCB đã nâng lên thành phong trào cùng nhau làm giàu.

Cựu chiến binh Ngô Văn Đáng, xã Tân Thiềng (Chợ Lách) đang tập trung phát triển kinh tế gia đình sau khi đã thoát nghèo năm 2019.

Cựu chiến binh Ngô Văn Đáng, xã Tân Thiềng (Chợ Lách) đang tập trung phát triển kinh tế gia đình sau khi đã thoát nghèo năm 2019.

Lan tỏa nghĩa tình

Công tác tại Hội CCB xã Tân Xuân, huyện Ba Tri 15 năm qua, ông Nguyễn Văn Năm luôn trăn trở làm thế nào để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu. Từ suy nghĩ đó, ông Năm đã vận động các CCB trong xã thành lập câu lạc bộ giảm nghèo, tổ hợp tác nuôi bò, tổ tiết kiệm vay vốn; đồng thời, xây dựng 24 mô hình “5+1” (5 CCB có điều kiện giúp 1 CCB nghèo phát triển sinh kế giảm nghèo), vận động gây quỹ tương trợ giúp CCB có vốn sản xuất. Từ các nguồn hỗ trợ, nhiều gia đình CCB thoát nghèo, một số gia đình đã vươn lên khá giả.

Năm 2006, xã Tân Xuân có 289 CCB thì có 36 hộ CCB nghèo, nhưng đến nay chỉ còn 1 hộ CCB nghèo. Những năm qua, sự nhiệt huyết của ông Nguyễn Văn Năm trong phong trào giúp nhau thoát nghèo nhận được sự lan tỏa và đồng thuận của các hội viên và chính quyền địa phương.

Sau thời gian công tác tại Trạm 19, Bộ Tư lệnh công binh, Quân khu 7, CCB Nguyễn Văn Nang, ở ấp Mỹ Quý, xã Tân Xuân xuất ngũ năm 1984. Trở về địa phương, do gia đình có ít diện tích đất sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Hội CCB xã và vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, CCB Nguyễn Văn Nang đã đầu tư nuôi bò, dê và gà thả vườn. Tận dụng diện tích lúa kém hiệu quả do ảnh hưởng hạn mặn, ông Nang chuyển 2.000m2 đất lúa sang trồng cỏ cung cấp thức ăn cho bò, dê và 1 phần diện tích dưới tán dừa để nuôi gà thả vườn.

Nhờ chịu khó và chăm chỉ, từ nuôi bò, dê và gà, mỗi năm gia đình CCB Nang thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của mô hình kinh tế này, gia đình tiếp tục phát triển đàn bò, đàn dê, đàn gà để nâng cao thu nhập. Nhờ đó, năm 2019, hộ CCB Nguyễn Văn Nang không còn là hộ nghèo. “Với mô hình kinh tế mà gia đình đang phát triển, nếu chịu khó chăm chỉ thì gia đình sẽ thoát nghèo bền vững”, ông Nang tự tin.

Tương tự, hộ CCB Bùi Văn Hùng, ấp Tân Hóa, xã Tân Xuân đã thoát nghèo hơn 20 năm qua cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của các hội viên trong hội và nguồn vốn vay tín dụng. Thấu hiểu được ý nghĩa mà nguồn vốn tương trợ đem lại, sau khi thoát nghèo, vươn lên khá giả, giờ đây CCB Bùi Văn Hùng lại hợp sức cùng các hội viên CCB trong xã để nâng đỡ các CCB còn khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Năm - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Xuân, thời điểm năm 2017, đời sống các CCB còn khó khăn nên chỉ vận động mỗi hội viên đóng góp 100 ngàn đồng/năm, tạo nguồn quỹ tương trợ đồng đội; vận động các hội viên khá, giàu đóng góp tiền để hỗ trợ hội viên nghèo. Như vậy, mỗi CCB nghèo sẽ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng từ các nguồn quỹ, cộng với số vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 30 triệu đồng để phát triển sinh kế.

Hầu hết hội viên sau khi được hỗ trợ vốn để sản xuất, kinh doanh thoát nghèo thì tiếp tục góp vốn vào quỹ tương trợ đồng đội để giúp các CCB khác còn khó khăn. Hiện nay, nguồn quỹ tương trợ đồng đội của hội còn trên 200 triệu đồng. Hội dự kiến năm 2021 sẽ nâng vốn hỗ trợ mỗi hộ lên từ 100 - 120 triệu đồng. Sau khi các hội viên không còn hộ nghèo nữa thì nguồn vốn này sẽ được hỗ trợ cho các hộ vừa thoát nghèo tiếp tục phát triển sinh kế vươn lên khá, giàu.

Bên cạnh công tác hỗ trợ đồng đội thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trong 10 năm qua, Hội CCB xã Tân Xuân còn vận động xây dựng gần 30 căn nhà tình nghĩa, nhà Nghĩa tình đồng đội, nhà tình thương cho CCB khó khăn về nhà ở.

Giúp nhau làm giàu

Nếu như Tân Xuân là địa phương tiêu biểu trong phong trào CCB giúp nhau thoát nghèo thì ở Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) được đánh giá là đi đầu trong phong trào cùng nhau làm giàu.

Hội CCB xã Tân Thiềng - nơi mở đầu phong trào CCB giúp nhau thoát nghèo từ mô hình “5+1” trong toàn tỉnh giờ không còn hộ CCB nghèo. Năm 2019, ở Tân Thiềng, phong trào CCB giúp nhau thoát nghèo đã được nâng lên thành phong trào giúp nhau xóa nghèo vươn lên khá, giàu. Tất cả nguồn vốn sẽ được huy động để giúp đỡ các CCB mới thoát nghèo có vốn phát triển kinh tế. Hiện nay, ở Tân Thiềng, bình quân mỗi hộ CCB thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Số hộ CCB khá, giàu chiếm 82% tổng số hộ CCB (toàn xã có 188 CCB).

Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thiềng Phan Thanh Hùng chia sẻ: “Hộ nào mới thoát nghèo còn khó khăn thì hội lên kế hoạch, giao trách nhiệm các anh, em trong ấp, từ 7 - 10 đồng chí có điều kiện kinh tế khá giả đóng góp mỗi người từ 2 - 4 triệu đồng để hỗ trợ cho hộ đó mượn mua cây giống, hạt giống, mua xi-măng xây nhà”.

Ở xã Tân Thiềng, các CCB làm kinh tế chủ yếu là ươm cây giống và làm hoa cảnh. Mặc dù các hội viên ở xã đều không còn thuộc diện hộ nghèo nhưng 11 quỹ tương trợ đồng đội vẫn được duy trì ở mỗi ấp để hỗ trợ các hội viên khi có nhu cầu cần vốn sản xuất.

Ông Phan Văn Chiến, CCB ấp Thiện Mỹ cho biết, hiện nay, mỗi năm các hội viên ở ấp đều duy trì đóng góp mỗi người 200 ngàn đồng để góp quỹ tương trợ đồng đội và 100 ngàn đồng để làm quỹ thăm người ốm. Số vốn này sẽ hỗ trợ hội viên cần vốn để xoay sở khi có việc cần gấp hoặc lúc khó khăn mà không phải “vay nóng” bên ngoài. Nếu trong xã có một đồng đội cần vốn lớn thì các ấp gom quỹ lại để cho mượn.

Các cấp hội cũng đã giải quyết căn cơ nhà ở cho các hội viên còn khó khăn về nhà ở. Theo khảo sát, toàn tỉnh còn 150 căn nhà cần hỗ trợ để xây dựng. Hội phấn đấu đến năm 2022 không còn nhà ở không đủ 4 cứng (nền cứng, vách cứng, mái cứng, cột cứng).

Thời gian qua, các cấp Hội CCB trong tỉnh đều thực hiện theo chủ trương của Hội CCB tỉnh đưa ra nhiều giải pháp để cùng nhau thoát nghèo như: Hỗ trợ vay vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, thành lập quỹ tương trợ đồng đội, quỹ góp vốn xoay vòng..., giúp hàng trăm CCB phát triển sinh kế, thoát nghèo.

Ngoài ra, các cấp hội đều tham gia vận động nhà Nghĩa tình đồng đội. Hàng năm đều có xây dựng chỉ tiêu thực hiện 150 căn nhà, nhưng có năm vượt chỉ tiêu. Từ năm 2010 - 2020, các cấp hội đã trao trên 2 ngàn căn nhà Nghĩa tình đồng đội với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng.

Phong trào giúp nhau thoát nghèo của các cấp hội CCB ở tỉnh đã phát huy được bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thay đổi nhận thức “Nghèo không phải số phận. Nghèo thì phải vươn lên”. Được sự hỗ trợ, các CCB có chuyển biến tư tưởng, phấn đấu vươn lên; hội viên còn thuộc diện hộ nghèo chủ yếu là do bệnh tật, neo đơn.

Năm 2016, toàn tỉnh có 4,72% hộ CCB nghèo, đến đầu năm 2020 còn 0,75% hộ CCB nghèo. Tính đến nay, toàn tỉnh có 93 xã không còn CCB nằm trong diện hộ nghèo, phấn khởi hơn khi có nhiều địa phương CCB là tỷ phú, tiêu biểu là Hội CCB xã Tân Thiềng, xã Sơn Định (Chợ Lách), xã Tân Thạch (Châu Thành), xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam)... Hội dự kiến sẽ thành lập Câu lạc bộ CCB tỷ phú tại xã Tân Thiềng để làm mô hình điểm CCB cùng nhau làm giàu.

 (Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh Võ Nguơn Thành)

Bài, ảnh: Thu Hiền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN