Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong thu hồi đất

29/11/2020 - 20:20

BDK - Hiện nay, công tác thu hồi đất (THĐ), giải phóng mặt bằng (GPMB) bàn giao để thực hiện các công trình quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, công ích địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn những vướng mắc. Trong tuần cuối tháng 11-2020, các cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân (TCD) và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh.

Thi công công trình đường huyện 173. Ảnh: H. Đức

Thi công công trình đường huyện 173. Ảnh: H. Đức

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa đồng thuận cao với chủ trương THĐ, trong đó có nhiều trường hợp do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Một số trường hợp do có sơ sót trong quá trình đo đạc bồi thường (sai lệch số liệu giữa đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị đo đạc THĐ) nên chậm xuất hồ sơ bồi thường hoặc có khiếu nại (KN) do bồi thường chưa đủ diện tích đất thu hồi. Cũng có một số trường hợp người dân bị tác động (không theo hướng tích cực) của người khác và đã KN (thậm chí là KN dai dẳng).

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người dân KN cho rằng đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, nhưng số tiền được bồi thường chưa đúng với giá trị “thực”. Bởi những nguyên nhân sau: giá đất trượt lên nhưng Nhà nước chưa điều chỉnh kịp thời, trong khi thị trường bên ngoài thì “sôi động”; người dân bị tác động của bên ngoài (tin đồn đất lên giá, đất thuộc vùng quy hoạch, so sánh giá trị đất đã được bồi thường trước đó...). Cũng có trường hợp người dân phải di dời tới nơi ở khác, trong khi họ đã có nhiều năm liền sinh sống, lao động sản xuất tại đây nên họ không muốn rời xa mảnh đất này.

Hiện tại, công tác THĐ vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai năm 2013, trình tự gồm các bước cơ bản: 1) Triển khai dự án (chủ trương đầu tư, phê duyệt, bản vẽ thực tế) công khai cho dân biết. 2) Thông báo THĐ (có trên bản đồ). 3) Triển khai đồng thời các nội dung gồm kiểm kê, đo đạc (sau khi đo xong phải trình nghiệm thu sản phẩm đo đạc) và làm giá (trình UBND tỉnh điều chỉnh, phê duyệt hệ số giá đất). 4) Lên phương án, công bố dự thảo ra dân (phương án bồi thường, điều chỉnh nếu có KN).

Trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng tiến hành xác minh thực tế đối với các trường hợp không giao đất (hoặc chậm giao đất) khi đã có quyết định thu hồi. Đồng thời, cũng xem xét về hoàn cảnh, điều kiện của từng trường hợp cụ thể để tham mưu, đề xuất cơ quan thẩm quyền hướng xử lý thích hợp.

Để công tác THĐ, GPMB và giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, các cơ quan chức năng đã kiến nghị nhiều giải pháp. Trong đó, cần đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân (bị THĐ). Trong đó, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đo đạc, đền bù, GPMB cần thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục luật định và tạo điều kiện để người dân được hưởng quyền, lợi ích tốt nhất theo quy định pháp luật (nhất là đối với cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải công tâm, khách quan).

Cần xem xét, kịp thời điều chỉnh tăng giá đất (do UBND tỉnh ban hành) hàng năm theo hướng sát với thị trường trong điều kiện bình thường. Hoặc tăng thêm hệ số K đối với các thửa đất bị thu hồi có giá trị sinh lợi cao (mặt tiền) để người bị THĐ không thiệt hại nhiều.

Quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác TCD, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, tự kiểm tra đối với đội ngũ cán bộ này.

Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai trong quần chúng nhân dân. Kịp thời biểu dương các điển hình trong TCD, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN