Dân vận khéo để phát huy sức mạnh nhân dân

09/09/2019 - 06:47

BDK - Tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương xây dựng mô hình dân vận khéo (DVK) 2009 - 2019, huyện Chợ Lách đã ghi nhận được nhiều mô hình hay, đạt hiệu quả và có sức lan tỏa rộng. DVK trở thành đòn bẩy tạo sức bật cho huyện trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đặc biệt là phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thực hiện phương châm “Ba không, ba nên, ba cần” trong xây dựng tác phong làm việc của cán bộ, công chức tại địa phương, tạo lòng tin cho nhân dân đối với hệ thống chính quyền. Ảnh: CTV

Thực hiện phương châm “Ba không, ba nên, ba cần” trong xây dựng tác phong làm việc của cán bộ, công chức tại địa phương, tạo lòng tin cho nhân dân đối với hệ thống chính quyền. Ảnh: CTV

Xây dựng mô hình sát với nhiệm vụ

Trong triển khai, phát động xây dựng mô hình DVK, yếu tố tiên quyết là chọn nội dung sao cho sát với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị, gắn với nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện. Qua 10 năm thực hiện chủ trương xây dựng mô hình DVK 2009 - 2019, toàn huyện đã công nhận 862 mô hình, trong đó có 75 mô hình cấp tỉnh, 188 mô hình cấp huyện. Các mô hình DVK trên địa bàn huyện được triển khai gắn với 3 nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy về giảm nghèo, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào chung tay xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, hệ thống chính quyền cũng triển khai thực hiện các mô hình DVK trên lĩnh vực cải cách hành chính, nổi bật như các mô hình trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, mô hình thực hiện phương châm “Ba không, ba nên, ba cần” của cán bộ, công chức các cấp trong huyện đã tạo được những chuyển biến trong tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ người dân tốt hơn, tạo được lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Qua việc đổi mới cách làm việc, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị toàn huyện được đồng bộ và đi vào chiều sâu.

Các mô hình trên lĩnh vực giảm nghèo đã giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 3,77%, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 10%, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 đạt 43 triệu đồng/người/năm. Một số mô hình giảm nghèo hiệu quả như: mô hình giảm nghèo ấp Phú Hòa, xã Vĩnh Bình, mô hình “5+1” của Hội Cựu chiến binh xã Tân Thiềng, mô hình vận động hộ nghèo học nghề gắn với giải quyết việc làm, xóa nghèo bền vững của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội...

Hay các mô hình DVK trong vận động thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất cũng đạt hiệu quả cao khi góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho nông dân, người lao động giúp nhau phát triển sản xuất, tạo ra sự phát triển bền vững ở nông thôn. Có thể kể đến như: mô hình “Vận động nông dân xây dựng tổ hợp tác sản xuất bông giấy” của Ban vận động Hội Nông dân (HND) xã Phú Sơn, mô hình “Nâng cao hiệu quả kinh tế tổ hợp tác chăn nuôi dê” của Ban vận động HND Thị trấn, mô hình “Tổ hợp tác sầu riêng tham gia trữ nước ngọt” của HND xã Hòa Nghĩa…

Hiệu quả và lan tỏa

Một thành công nữa trong giai đoạn 10 năm thực hiện phong trào xây dựng mô hình DVK ở Chợ Lách là huyện đã có được các mô hình hay, thật sự hiệu quả, có sức lan tỏa rộng. Mô hình DVK “Xóm đạo bình yên” ở xã Long Thới là một trong các mô hình tiêu biểu có thể nhắc đến. Khởi điểm và áp dụng thành công ở ấp Long Huê, xã Long Thới, mô hình lan rộng và được áp dụng ở một số ấp lân cận, đã góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của địa phương. Cũng tại ấp Long Huê đã thực hiện thành công mô hình DVK “Vận động đồng bào giáo dân ấp Long Huê, xã Long Thới xóa cầu tiêu ao cá, xây dựng hố xí hợp vệ sinh”, mô hình đã góp phần cho xã thực hiện thành công tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM.

Gặp lại ông Phan Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thiềng sau thời gian mô hình “5+1” của hội áp dụng thành công, ông cho biết: Thành công từ mô hình “5+1” đã giúp hội viên Hội Cựu chiến binh xã xóa nghèo hiệu quả. Đến nay, không dừng lại ở đó, hội phát triển mô hình “5+1” lên để tiếp tục vận động hội viên khá góp vốn cho các hội viên khó khăn mượn vốn sản xuất, kinh doanh, mượn vật tư để hội viên sửa sang nhà cửa, xóa được các trường hợp nhà ở tạm bợ, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí NTM của xã. Mô hình “5+1” của Hội Cựu chiến binh xã Tân Thiềng tiếp tục được phát triển lên để các hội viên cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, làm giàu hiệu quả.

Phát huy kết quả đạt được từ các mô hình DVK, cấp ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào thi đua DVK sâu rộng trong hệ thống chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân gắn với nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, đề ra những nội dung, giải pháp thi đua DVK cho phù hợp. Huyện sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy, nâng chất những mô hình đã đạt, đồng thời tập trung chỉ đạo hoàn thiện theo tiêu chí đã đăng ký của các mô hình chưa đạt, chú ý nghiên cứu chọn những mô hình mới, mô hình trong hệ thống chính quyền và lực lượng vũ trang.

Quan trọng nhất là xây dựng mô hình DVK phải gắn kết những yêu cầu bức xúc của địa phương, nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như tập trung xây dựng các chủ đề về: đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, xây dựng NTM...

Kinh nghiệm đúc rút cho thấy, phong trào xây dựng mô hình DVK thực hiện thành công nằm ở khâu tuyên truyền, vận động thuyết phục được nhân dân tham gia. Không chỉ phù hợp với nhu cầu thực tế mà còn phải chú trọng tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là kiên trì vận động, phát huy được tính dân chủ, từ đó tạo được sự đồng thuận của hầu hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên được nêu lên hàng đầu.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN