Đẩy mạnh công tác khuyến công và xúc tiến thương mại

30/11/2020 - 06:58

BDK - Thời gian qua, hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại đã hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, nhất là những cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm tiêu thụ rộng khắp thị trường trong và ngoài nước.

Hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất lồng, bội kẽm ở cơ sở Lê Ngọc Thạch, xã Long Thới, huyện Chợ Lách.

Hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất lồng, bội kẽm ở cơ sở Lê Ngọc Thạch, xã Long Thới, huyện Chợ Lách.

Khuyến khích phát triển

Giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho 93 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, với kinh phí hỗ trợ thực hiện 20,837 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hơn 137 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho hơn 2.700 lao động tại địa phương.

Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Nguyễn Văn Đông Phương cho biết, qua các năm triển khai, hoạt động khuyến công có sự can thiệp điều chỉnh từ nguồn kinh phí địa phương, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ một cách kịp thời, đúng chủ trương của UBND tỉnh. Từ đó, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực đầu tư có hiệu quả vào hoạt động sản xuất CNNT, tạo sức lan tỏa từ chính sách khuyến công đối với nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn.

“Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã xây dựng đề án khuyến công điểm “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất sản phẩm từ dừa giai đoạn 2019 - 2020” và được Cục Công Thương địa phương đồng ý thực hiện với tổng kinh phí khuyến công quốc gia là 4,5 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến dừa như: nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp; ứng dụng máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả cao; phát triển sản phẩm thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ trong nước…” - ông Nguyễn Văn Đông Phương nêu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bến Tre còn chủ trì thực hiện 3 đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, tổng kinh phí thực hiện là 1,827 tỷ đồng, kết quả có 50 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.

Mở rộng thị trường

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu sau khi được công nhận được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cải tiến kỹ thuật sản xuất và quảng bá thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị, doanh nghiệp sau khi tham gia các hội chợ đã tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh ngày càng tốt hơn, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Chất lượng các sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên và đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, thị trường xuất khẩu được mở rộng đến hơn 126 quốc gia và vùng lãnh thổ; các sản phẩm từ dừa ngày càng đứng vững tại thị trường khó tính.

Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Nguyễn Văn Đông Phương cho biết thêm, định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công. Tập trung thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, CNNT và các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các ngành công nghiệp thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh. Tăng cường đẩy mạnh quá trình liên kết hoạt động thương mại với các tỉnh, thành trong cả nước, hướng vào việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa đặc sản và có lợi thế phát triển của tỉnh để hình thành hệ thống phân phối hàng hoá có hiệu quả. Triển khai kịp thời các quy định điều kiện xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

Bài, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN