Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch cho nông sản

09/08/2019 - 07:12

BDK - Bến Tre có thế mạnh về trồng cây ăn trái với diện tích 28 ngàn héc-ta, sản lượng hàng năm trên 300 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng nông sản toàn tỉnh năm 2018 đạt 36,7 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm gần 50%. Trước tình hình Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu, tỉnh đang tập trung các giải pháp để đẩy mạnh XK bằng đường chính ngạch.

Hiện có xoài, nhãn, chuối, chôm chôm, thanh long, dưa hấu, vải, mít được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện có xoài, nhãn, chuối, chôm chôm, thanh long, dưa hấu, vải, mít được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nông sản gặp khó

Theo ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thị trường XK chính của hàng nông sản tỉnh vẫn là Trung Quốc và chủ yếu là đường tiểu ngạch. XK tiểu ngạch gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp (DN) lẫn nông dân vì phải bán giá thấp, tốn chi phí vận chuyển, nhiều rủi ro.

Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu (Chợ Lách) khẳng định: “Trước đây, các DN XK của tỉnh lệ thuộc vào thị trường tiểu ngạch rất nhiều. Có 70 - 80% sản lượng nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tình hình siết chặt quản lý nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đang khiến các DN XK rơi vào khó khăn”.

Để đẩy mạnh XK, ngoài sự vào cuộc của các bộ, ngành, theo bà Ngô Tường Vy, các DN và người dân phải chuẩn bị các điều kiện. Đối với trái sầu riêng, công ty đã tổ chức họp nông dân từ các vùng trồng sầu riêng để triển khai thay đổi việc canh tác theo hướng sạch, chất lượng để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường XK.

Hay với trái bưởi, Công ty TNHH MTV XNK nông sản Hương Miền Tây (Mỏ Cày Bắc) đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với gần 30 tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, với diện tích trên dưới 300ha, sản lượng 10 - 15 tấn/ha và theo quy trình VietGAP. Ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc công ty khẳng định, sản xuất bây giờ không còn con đường nào khác ngoài liên kết sản xuất và sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường. Việc tiêu thụ nội địa vẫn là kênh quan trọng của DN nhưng nếu không chú trọng XK thì trái bưởi da xanh cũng sẽ “dội hàng” tại thị trường trong nước.

Thời gian qua, việc XK trái bưởi sang châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn như yêu cầu về kích cỡ trái chỉ từ 1,2 -1,4kg. “Để có 1 tấn bưởi đạt yêu cầu về kích cỡ này, DN phải thu mua và lựa chọn từ 10 tấn bưởi trong nông dân. Vì thế, khách hàng yêu cầu cung ứng 5 tấn/ngày, DN cũng đã cảm thấy rất khó. Đây là thị trường rất ổn định về sản lượng và giá cả. Do đó, khó mấy thì chúng ta cũng phải thực hiện, tuân thủ các điều kiện của thị trường để tồn tại, ngược lại chúng ta sẽ tự bị thị trường đào thải”, ông Hưng nói.

Những giảp pháp

Liên quan đến các quy định của Trung Quốc, để có thể XK chính ngạch, ông Nguyễn Chí Thiện - Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) đặt vấn đề, HTX cần các sở, ban, ngành thông tin về các quy định xuất nhập khẩu. Hiện nay, còn rất nhiều HTX không biết về quy định XK và không biết tiếp cận thông tin từ đâu, sự chuẩn bị về mã vùng trồng, quy trình để thực hiện.

Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh An đang chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các DN, chuẩn bị và đăng ký mã vùng trồng. HTX cũng cần DN thông tin cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng và trong khoảng thời gian cụ thể để HTX có thể sản xuất đúng yêu cầu thị trường. Đồng thời, đề xuất Nhà nước tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; hỗ trợ HTX mở rộng diện tích VietGAP…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 DN tham gia chế biến, XK nông sản, tập trung ở các sản phẩm dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn… Hiện hàng nông sản của tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của Thái Lan và đặc biệt là XK dưới dạng tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh rất quan tâm việc xây dựng vùng trồng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Để phát triển vùng nguyên liệu, tỉnh thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm, bước đầu thành lập 95 tổ hợp tác, 28 HTX tham gia 4 chuỗi giá trị sản phẩm dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn. Qua rà soát toàn tỉnh, đến nay có 7 vùng trồng và 28 cơ sở đóng gói được Trung Quốc chấp nhận cho nhập khẩu nông sản.

Theo kế hoạch đẩy mạnh XK chính ngạch nông sản của UBND tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, các sở, ngành tỉnh sẽ chủ trì phối hợp các huyện, thành phố thực hiện 18 phần việc quan trọng, trong đó năm 2019 - 2020, Sở NN&PTNT phối hợp  với các huyện, thành phố tập trung củng cố, thành lập tổ hợp tác, HTX xây dựng vùng sản xuất; tập huấn và cấp giấy chứng nhận sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP; mời chuyên gia tập huấn cho các DN XK nông sản biết các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước XK chính ngạch; đề xuất Bộ NN&PTNT đẩy nhanh kết quả làm việc với phía Trung Quốc cấp mã vùng trồng cho cây măng cụt.

Giai đoạn đến 2020 - 2025, sẽ đề xuất Bộ NN&PTNT đẩy nhanh kết quả làm việc với phía Trung Quốc cấp mã vùng trồng cho những cây ăn trái khác như dừa, mít, chuối, bưởi da xanh, sầu riêng…; đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho những cây trồng, trái cây đặc sản khác của tỉnh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN