Để những công trình ngăn mặn sớm phát huy tác dụng

09/05/2011 - 07:58
Nông dân xã Thới Lai (Bình Đại) trồng thêm dừa phía trong cống đập Ba Lai. Ảnh: Hoàng Vũ

Hơn 15 năm qua, hệ thống thủy lợi: Hương Mỹ, Cầu Sập, cống đập Ba Lai… được đưa vào sử dụng đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn có những cửa sông bị bỏ ngỏ, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Hiệu quả bước đầu...

Hệ thống thủy lợi Hương Mỹ được đưa vào sử dụng hơn 20 năm qua. Trong đó, trên đê ven sông Cổ Chiên ở huyện Mỏ Cày Nam có các cống: Vàm Đồn, Bình Bát (Hương Mỹ);  ở huyện Thạnh Phú có các cống: Cái Lức, Tổng Can, Bến Giông Nhỏ, Cái Bần (Thới Thạnh), Cả Ráng Sâu (Bình Thạnh). Trên đê ven sông Hàm Luông ở Mỏ Cày Nam có cống: Tân Hương (Minh Đức); ở Thạnh Phú có các cống: Cái Bần (Thới Thạnh), Cổ Rạng (Thị trấn), Chà Là (Mỹ Hưng), Cầu Tàu, Bà Hạp (Phú Khánh), Xẽo Vườn, Tám Dóc (Quới Điền). Hệ thống thủy lợi Hương Mỹ phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn cho hàng chục ngàn héc-ta đất nông nghiệp thuộc 2 huyện: Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam. Nhờ vậy, ở Mỏ Cày Nam, năm qua, cây dừa đạt sản lượng 90 triệu trái, mía đạt 80 tấn/ha, lúa đạt sản lượng gần 1.752 tấn (đạt 101% so với kế hoạch). Ở huyện Thạnh Phú, chỉ tính riêng quí I năm 2011, vụ lúa Đông - Xuân năng suất đạt khoảng 4,5 tấn/ha, mía đạt 80 đến 100 tấn/ha (toàn huyện hiện có 755ha mía). Cống đập Ba Lai ở xã Thạnh Trị (Bình Đại), đảm bảo trữ ngọt khoảng 1,5 triệu khối nước từ năm 2002 đến nay. Công trình cống đập Ba Lai có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, rửa phèn, cải tạo 115 ngàn héc-ta đất tự nhiên (trong đó có gần 90 ngàn héc-ta đất nông nghiệp) ở các huyện: Bình Đại, Ba Tri và Giồng Trôm.

Chúng tôi đến xã Châu Hưng (Bình Đại), được nghe nhiều ý kiến phấn khởi của nông dân về việc hưởng lợi từ nguồn nước ngọt cống đập Ba Lai. “Từ khi cống đập Ba Lai đi vào hoạt động, tôi làm được 3 vụ lúa/năm. Trước đó, chỉ có 1 vụ/năm do nước mặn hết nửa năm. Ngoài 3 công lúa, tôi dành riêng 4 công đất để trồng hoa màu (cà, dưa leo, ớt). Tổng thu nhập cả năm gần 100 triệu đồng nhờ nước ngọt từ cống đập Ba Lai mang lại” - ông Đỗ Văn Thuận (ấp Hưng Nhơn – xã Châu Hưng) nói.

Không riêng lúa, hoa màu, mà cây cacao cũng phát triển mạnh từ 3 năm qua, tập trung ở các xã: Long Hòa, Châu Hưng, Thới Lai, Lộc Thuận và Phú Long. “Hầu hết cacao được trồng xen trong vườn dừa. Đến nay, toàn huyện có gần 160ha cacao. Cuối năm 2011, Bình Đại dự kiến phát triển thêm 150ha cacao” – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thành Sa cho biết.

Không những Bình Đại hưởng lợi từ nguồn nước ngọt cống đập Ba Lai mà Ba Tri cũng vậy, nhất là tại xã Tân Xuân. “Trong những năm gần đây, nhờ có cống đập Ba Lai mà 18 công đất lúa của tôi làm được 3 vụ/năm. Hơn nữa, tôi áp dụng mô hình 3 tăng, 3 giảm, mỗi năm thu hoạch khoảng 25 tấn lúa” – nông dân Lê Quan Hải (ấp Tân Điểm – xã Tân Mỹ) phấn khởi cho biết.

Những mong đợi trong tương lai

Bình Đại phát triển diện tích cacao nhờ cống đập Ba Lai và Giồng Trôm cũng tương tự. Toàn huyện đã trồng khoảng 1.500ha cacao; riêng xã Châu Bình đã trồng khoảng 1.000ha.

Bên cạnh niềm vui từ những cống đập ngăn mặn, người dân ở 3 dải cù lao vẫn lo âu, vì những năm gần đây nước mặn xâm nhập quá sâu.

Hệ thống cống ngăn mặn trên đê ven sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông hầu như không còn tác dụng do nước mặn trên các sông lên cao. Và như vậy, các huyện: Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc đã bị nước mặn xâm nhập nặng.

Bờ Nam sông Tiền, nước mặn từ cửa Đại vượt qua Bình Đại đến xã Quới Sơn (Châu Thành). Nước mặn vào kênh An Hóa, tiến vào sông Ba Lai. Nước mặn ngày càng lấn sâu lên các xã ở tiểu vùng 1, làm cho năng suất, sản lượng cây trồng bị giảm từ 30-60%, chủ yếu ở các xã: Thới Lai, Vang Quới Tây, Châu Hưng và Phú Thuận (Bình Đại).

Ở Giồng Trôm, nước mặn theo sông Hàm Luông vào sông Bến Tre, qua sông Thủ Cửu tràn về thị trấn Giồng Trôm. Nông dân hai bên sông Thủ Cửu ngày đêm trông chờ cửa sông này được xây cống ngăn mặn để phát triển kinh tế vườn.

Nhìn chung, cả 3 dải cù lao của tỉnh đang còn bị nước mặn uy hiếp. Mong mỏi lớn nhất của người dân là các công trình thủy lợi sớm được khép kín để phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

 

 - Để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi Trần Văn Thi cho biết: Từ nguồn vốn Trung ương cấp bù thủy lợi phí, năm 2008, Bến Tre được hỗ trợ 14 tỷ đồng, từ năm 2009-2011 mỗi năm được hỗ trợ 32 tỷ đồng.

- Hiện nay, huyện Bình Đại đang khởi công công trình ngọt hóa, với tổng diện tích khoảng 600ha cho ấp 3, ấp 4 ở xã Thạnh Trị và 1 phần xã Bình Thới. Tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5-2011.

HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN