Điển hình về tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới

14/08/2019 - 07:16

BDK - Mô hình tuyên truyền, vận động (TTVĐ) xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm đã đạt nhiều hiệu quả. Đây là mô hình điểm thực hiện kế hoạch của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo tinh thần của Tỉnh ủy về “Tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá”. Hiện mô hình đang phát triển mạnh, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác thông tin, TTVĐ đến với người dân ở cơ sở.

Cầu liên xã Bình Thành - Tân Thanh được xây dựng từ nguồn vận động nhân dân đóng góp.

Cầu liên xã Bình Thành - Tân Thanh được xây dựng từ nguồn vận động nhân dân đóng góp.

Mô hình điểm Bình Thành

Thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đầu tháng 7-2018, Đảng ủy xã Bình Thành quyết định kiện toàn Ban TTVĐ về nâng chất xã NTM. Theo đó, Ban TTVĐ xã có 15 thành viên, do Trưởng Khối vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã làm Trưởng ban, Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy xã làm Phó ban trực cùng 2 phó ban là Phó bí thư Đảng ủy xã và Phó chủ tịch UBND xã; trưởng các ngành, đoàn thể xã là thành viên. Ban TTVĐ xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên theo từng địa bàn ấp, tổ nhân dân tự quản (NDTQ). Các thành viên Ban TTVĐ kết nối thông tin với nhau qua mạng Zalo và thông tin cho nhau về tình hình, tiến độ thực hiện công việc.

Năm 2018, qua công tác vận động nâng chất xã NTM, nhân dân xã Bình Thành đã nhiệt tình hiến đất làm mặt bằng xây dựng 17 công trình giao thông, 17 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí đầu tư hơn 11,8 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 1,2 tỷ đồng, hiến đất và hoa màu trị giá hàng trăm triệu đồng. Tại xã, nhiều công trình khác đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch như: lộ ngang liên ấp Bình Đông - Bình Lợi, đường trung tâm ấp Bình Phú, đường ra đồng ấp Hồ Sen, cầu và đường liên tổ ở ấp Bình An - ấp Bình Tiên, cầu Tổ NDTQ số 12, ấp Hồ Sen, cống ngăn mặn trữ ngọt ấp Bình Lợi… Nhân dân địa phương đã đóng góp tiền mặt, hiến đất và hoa màu trị giá hàng trăm triệu đồng, tạo thuận lợi cho các công trình thi công đúng tiến độ và đưa vào sử dụng đúng theo kế hoạch.

Ngoài việc nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương, người dân Bình Thành đã tích cực cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường. Các tổ, xóm đã vận động nhau cùng lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh trên các tuyến đường, góp phần tạo thuận lợi trong giao thông vào ban đêm và đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa phương.

Ngoài ra, thông qua công tác vận động, người dân Bình Thành đã tích cực đưa con cháu đi xuất khẩu lao động ở các nước (đa số là Nhật Bản, Hàn Quốc) để tăng thu nhập kinh tế gia đình, cùng góp phần làm giàu cho quê hương.

Nhân rộng mô hình

Thực hiện Kế hoạch số 154 ngày 25-3-2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc nhân rộng mô hình Ban TTVĐ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, ngày 28-3-2019, Huyện ủy Giồng Trôm đã ban hành công văn chỉ đạo các địa phương, đơn vị cùng nhân rộng mô hình Ban TTVĐ trên địa bàn huyện. Sau xã Bình Thành, lần lượt các xã khác như Lương Hòa, Mỹ Thạnh, Thuận Điền, Phong Nẫm, Lương Phú, Lương Quới… đều thành lập Ban TTVĐ cấp xã và các tổ TTVĐ ở các ấp. Đặc biệt, tại mỗi xã đều có tổ TTVĐ nổi bật, làm nòng cốt trong hoạt động. Hiện tại, huyện đã thành lập được 22 Ban TTVĐ ở 22 xã, thị trấn với 358 thành viên.

Ngoài ra, huyện cũng đã thành lập được 142 Tổ TTVĐ ở các ấp, khu phố với 969 thành viên. Cơ cấu của các tổ TTVĐ do bí thư chi bộ ấp, khu phố là tổ trưởng, các thành viên là các đoàn thể. Các tổ TTVĐ hoạt động dựa trên kế hoạch phân công của tổ trưởng (hiện đang xây dựng quy chế hoạt động của tổ).

“Hoạt động của Ban TTVĐ các cấp đã khắc phục “điểm nghẽn” trong thông tin, tuyên truyền và kịp thời đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Các ban và tổ TTVĐ đều hoạt động hiệu quả, đã khắc phục được tình trạng tuyên truyền chung chung, không xác định rõ đối tượng. Hoạt động TTVĐ đã thực sự mang lại hiệu quả cao và đang phát triển mạnh trên địa bàn toàn huyện”, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đặng Hồng Sơn chia sẻ.

Tính đến cuối tháng 7-2019, mô hình TTVĐ đã được nhân rộng khắp 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 164/164 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình, với sự tham gia của 2,05 ngàn thành viên; có 863 tổ TTVĐ ấp, khu phố (đạt 87,52%, toàn tỉnh có 986 ấp, khu phố), với hơn 6,62 ngàn thành viên.

Đến nay, các ban TTVĐ cấp xã và các tổ TTVĐ đã thực hiện được trên 13,96 ngàn cuộc tuyên truyền, với hơn 268,11 ngàn lượt người tham dự. Qua đó, đã kịp thời chuyển tải các nội dung thông tin, thông tin về xây dựng NTM; kết quả xây dựng NTM gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”; thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy năm 2019 “Tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá”; chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”...

Qua công tác TTVĐ, một số địa phương hoạt động hiệu quả cao, tạo nhiều bứt phá trong xây dựng, nâng chất xã NTM như: Bình Thành, Lương Hòa, Thuận Điền, Phong Nẫm, Mỹ Thạnh, Lương Quới, Sơn Đông, Phú Hưng, Châu Bình...

Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thọ, để công tác TTVĐ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp ủy địa phương cần quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban, tổ TTVĐ. Ban Tuyên giáo các cấp cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cung cấp thông tin. Nội dung tuyên truyền cần phải nhanh nhạy, kịp thời để đáp ứng yêu cầu về thông tin của người dân.

“Từ mô hình điểm của xã Bình Thành, đến nay, mô hình TTVĐ đã lan tỏa, phát triển rộng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mô hình TTVĐ thực sự đã tạo sự gắn kết giữa Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân hơn. Hoạt động của các ban, tổ TTVĐ đã mang lại hiệu quả cao, nhất là giúp người dân thông suốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực hưởng ứng xây dựng quê hương”.

(Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thọ)

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN