Giữ gìn, tôn vinh văn hóa các dân tộc

17/04/2020 - 07:19

BDK - Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku - Gia Lai, vào ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Lời dạy quý giá ấy của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tiết mục múa dân tộc Chăm do các thiếu nhi Bến Tre biểu diễn.

Tiết mục múa dân tộc Chăm do các thiếu nhi Bến Tre biểu diễn.

Đậm đà bản sắc dân tộc

Theo chiều dài lịch sử, 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam đã sinh sống với nhau lâu đời, gắn bó, tương trợ, hợp sức bảo vệ và xây dựng Tổ quốc qua bao gian lao, thử thách. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa (VH) riêng, độc đáo nhưng cùng hòa vào bản sắc chung, tạo nên một nền VH Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc.

Nhằm tôn vinh những giá trị VH của các dân tộc Việt Nam, ngày 17-11-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 19-4 hàng năm là “Ngày VH các dân tộc Việt Nam”. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống VH dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tôn vinh bản sắc VH các dân tộc, cùng xây dựng, phát triển vì một nền VH Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua các hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động để các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hòa hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, VH, xã hội.

Ở Bến Tre, ngoài dân tộc Kinh thì còn có hơn 5,3 ngàn người thuộc 24 dân tộc khác cùng sinh sống; nhiều nhất là người Hoa (hơn 4,6 ngàn người), Khmer (hơn 500 người), Chăm (45 người), Mường (27 người)... Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm và có chủ trương, chỉ đạo ngành chức năng phối hợp các hoạt động hưởng ứng “Ngày VH các dân tộc Việt Nam 19-4” nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị VH của cộng đồng dân tộc đang cùng sinh sống trên quê hương xứ Dừa, như: Tiếng hát các dân tộc, Liên hoan hóa trang các dân tộc Việt Nam, biểu diễn trang phục dân tộc... Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy không thể tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhưng công tác tuyên truyền Ngày VH các dân tộc vẫn được ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đoàn kết, tương trợ

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, MTTQ Việt Nam đã tuyên truyền vận động, tập hợp khối đại đoàn kết của 54 dân tộc trên toàn đất nước. Ở Bến Tre, các dân tộc sống đan xen nhau, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống để cùng phát triển.

Tiết mục múa Vũ điệu Tây Nguyên mang hình ảnh của các dân tộc Tây Nguyên do các diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) biểu diễn.

Tiết mục múa Vũ điệu Tây Nguyên mang hình ảnh của các dân tộc Tây Nguyên do các diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh) biểu diễn.

Ông Lưu Quốc Minh - Trưởng ban Hoa vận TP. Bến Tre cho biết, TP. Bến Tre có hơn 500 hộ người Hoa, với hơn 1,7 ngàn nhân khẩu. Phần đông, đồng bào người Hoa sống bằng nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, một số làm việc công sở nhà nước, các đoàn thể... Mối quan hệ giữa người Hoa với cộng đồng ở địa bàn dân cư đã gắn bó mật thiết trên tất cả mọi lĩnh vực. Người Hoa cũng được hưởng mọi quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ như mọi công dân. Về VH, người Hoa cũng được giữ gìn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Người Hoa cũng tham gia vào mặt trận, đoàn thể, cơ quan chính quyền, nhiều người được vinh dự kết nạp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Bà con người Hoa đã tích cực thực hiện tốt các phong trào trong cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia thực hiện cuộc vận động Xây dựng đời sống VH ở khu dân cư, tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội, giúp đỡ tương trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng”, ông Minh cho biết thêm.

 Riêng bản thân ông Minh từng được bầu chọn làm đại biểu HĐND cấp TP. Bến Tre và cấp phường nhiệm kỳ 2004 - 2009 kéo dài đến năm 2011, ông được nhận Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Ủy ban MTTQ Việt Nam trao tặng cùng nhiều bằng khen của tỉnh.

Là phụ nữ Mường (quê gốc ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa), theo chồng về sinh sống tại ấp Phú Thạnh, xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, đến nay hơn 12 năm, chị Bùi Thị Lựu đã xem xứ Dừa là quê hương thứ hai trong tim mình. Chị là một trong 5 chị em thuộc các dân tộc thiểu số khác đến Phú Ngãi sinh sống. Thời gian đầu mới về đây, chị cũng có nhiều lo lắng, bỡ ngỡ, nhưng từ tình cảm yêu thương của gia đình chồng và bà con lối xóm cùng sự quan tâm, động viên của cán bộ địa phương đã dần giúp chị tự tin hơn, an tâm sinh sống trong mái ấm nhỏ của mình.

“Tôi rất biết ơn sự yêu thương của gia đình chồng và những người xung quanh đã giúp tôi cảm thấy gần gũi, quen thuộc như chính ở quê hương mình. Cuộc sống của người dân trong xã nói chung, đối với chị em người dân tộc nói riêng được địa phương quan tâm, động viên trên các mặt, được tuyên truyền để nắm bắt những chính sách cơ bản về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước”, chị Lựu chia sẻ thêm.

Tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em đã và đang được gìn giữ theo lời dạy của Bác. Đó cũng chính là tinh thần yêu nước, làm nên sức mạnh của Việt Nam. Các dân tộc cùng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau vì tất cả cùng sống chung một bờ cõi, thiêng liêng với hai tiếng Việt Nam.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN