Hiệu quả công tác biên soạn lịch sử Đảng

13/09/2017 - 07:58
Hội nghị thông qua bản thảo Kỷ yếu Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỏ Cày Nam giai đoạn 1930 - 2015.

Những năm qua, công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ luôn được các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện.

 

Trước khi có Chỉ thị số 15 ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, huyện Mỏ Cày có 27 xã, thị trấn, toàn huyện có 3 quyển lịch sử đảng bộ được phát hành gồm: Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Mỏ Cày giai đoạn 1930 - 1975, Lịch sử Đảng bộ xã Định Thủy giai đoạn 1930 - 1985, xã Phước Hiệp giai đoạn 1930 - 1990. Sau khi chia tách huyện, xã, Mỏ Cày Nam có 17 xã, thị trấn. Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15, huyện Mỏ Cày Nam đã hoàn thành 20 công trình lịch sử.

Trong đó, cấp huyện phát hành 6 công trình: Lịch sử Đại đội 1 huyện Mỏ Cày, Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930 - 2005 (tái bản), Kỷ yếu Bà mẹ Việt Nam anh hùng huyện Mỏ Cày Nam, Giáo dục huyện Mỏ Cày, Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Mỏ Cày và Kỷ yếu Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỏ Cày Nam.

Cấp xã phát hành 14 quyển lịch sử đảng bộ các xã: An Thạnh, Minh Đức, Đa Phước Hội (gồm Tân Hội ngày nay), An Thới, Thành Thới B, Thành Thới A, Tân Trung, Bình Khánh Tây, Bình Khánh Đông, Hương Mỹ, Cẩm Sơn, An Định, Phước Hiệp (tái bản), Ngãi Đăng. Ngoài ra, các xã phát hành cuốn Kỷ yếu Hội Cựu giáo chức; xã Bình Khánh Tây biên soạn truyền thống ấp.

Huyện xuất bản cuốn “Kỷ yếu Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỏ Cày Nam” vào ngày 1-8-2017, đúng vào dịp kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống công tác tư tưởng văn hóa. Bà Trần Thị Kim Lành - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: “Để biên soạn và xuất bản thành công cuốn kỷ yếu, Huyện ủy đã quan tâm chỉ đạo sâu sát từ khâu lập kế hoạch; thành lập ban chỉ đạo biên soạn, ban sưu tầm tư liệu; đồng thời chủ động dành nguồn kinh phí cần thiết để biên soạn, xuất bản sách; đồng thời tranh thủ khai thác tốt thông tin, tư liệu từ các đồng chí chủ chốt qua từng thời kỳ, các nhân chứng lịch sử và phát huy dân chủ mở rộng để cán bộ cung cấp tư liệu, tham gia đóng góp xây dựng cuốn kỷ yếu. Do vậy, nội dung cuốn kỷ yếu bảo đảm chất lượng, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao”.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy có phân công một cán bộ chuyên trách và đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy phụ trách công tác lịch sử. Đảng ủy xã, thị trấn phân công cán bộ tuyên giáo đảng ủy đảm nhiệm, đồng chí Bí thư Đảng ủy phụ trách chung. Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, góp ý bổ sung, chỉnh sửa bản thảo, đôn đốc các đảng bộ xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tiến độ biên soạn và xuất bản sách lịch sử đảng bộ xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn, việc triển khai tuyên truyền, học tập lịch sử đảng bộ cũng được Ban Tuyên giáo Huyện ủy quan tâm, chỉ đạo các cơ quan hữu quan thông qua các lớp tập huấn, các hội nghị, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể… dành thời gian nhất định để sinh hoạt về lịch sử của Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, của ngành mình… cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

Nhìn chung, các ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị đều đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ tỉnh và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, đảm bảo tính chuẩn xác các sự kiện lịch sử, quá trình lãnh đạo của các đảng bộ qua từng thời kỳ trên tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, ngoại giao...

Việc nghiên cứu, biên tập cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đều được chuẩn bị, xây dựng công phu, nghiêm túc, cẩn thận; đồng thời, có sự quan tâm, giúp đỡ, cộng tác tích cực của các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ. Qua đó, tái hiện một cách chân thực, đầy đủ lịch sử đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị. Các ấn phẩm lịch sử sau khi phát hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đón đọc, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước; khích lệ lòng tự hào, tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng hiện nay.

 

Bài, ảnh: Thiên Phúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN