Khát vọng “robot” của những chàng trai vùng biển mặn

27/09/2017 - 09:34
Hai cậu học sinh miền biển mặn cùng với tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng của mình. (ảnh Nhân vật cung cấp)

Khát vọng dùng những chú robot để làm việc thay cho bà con vùng biển mặn như lựa tôm, be bờ… 2 chàng trai Phạm Xuân Nhuận và Nguyễn Phi Long, học sinh Trường THPT Lê Hoài Đôn, huyện Thạnh Phú nỗ lực vượt qua nhiều thất bại trong nghiên cứu để cho chào đời mô hình sáng tạo “Cánh tay robot gắp vật 3 bậc tự do và xử lý ảnh qua internet”. Thành quả này đã giúp 2 em đoạt tấm vé vào đại học khi vừa bước sang năm học lớp 12…

 

Đam mê trong thiếu thốn

Xuân Nhuận và Phi Long cùng lớn lên tại xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú. Gia đình Nhuận có phần khá hơn còn gia cảnh Phí Long vẫn chưa thoát khỏi hộ nghèo và phải nuôi 3 người con ăn học. Long cho biết, từ năm học cấp 2 đã có ý tưởng này nhưng điều kiện gia đình không cho phép mua các thiết bị, linh kiện điện tử về nghiên cứu. Gia đình Xuân Nhuận thì không dám cho nhiều tiền vì sợ em ham chơi, không lo học hành.

Thế nhưng, với nỗ lực bản thân, sau mỗi năm học cả 2 em đều đạt thành tích học sinh xuất sắc, với điểm số trung bình gần tuyệt đối trong thang điểm 10. Cha mẹ Nhuận rồi cũng bị 2 trẻ thuyết phục, hỗ trợ hơn 4 triệu đồng để mua linh kiện. Nhưng tất cả kinh nghiệm của 2 em chỉ là lý thuyết suông nên khi thực nghiệm trên vi mạch đã bị cháy rụi do gặp một số lỗi trong quá trình lắp ráp.

Thành quả đâu chưa thấy nhưng thất bại đã rành rành, 2 em lâm vào cảnh tưởng chừng như không thể có được điều kiện tiếp tục nghiên cứu. Hết tiền tài trợ, hai em quay về mớ thiết bị, vi mạch từ các chiếc radio, quạt, tivi… cũ để tiếp tục rả ráp, nghiên cứu. Rồi những nỗ lực, khát khao cháy bỏng của 2 em đã thuyết phục được kinh phí từ các nguồn khác, trong đó có cả từ giáo viên chủ nhiệm lớp. Mỗi lần có tiền, các em đặt mua thiết bị qua mạng với một số cửa hàng cung cấp từ TP. Hồ Chí Minh. Khi có thiết bị nghiên cứu vẫn phải gián đoạn liên tục nếu chỉ hư một vi mạch nhỏ vì tại vùng biển mặn Thạnh Phú không tìm được thiết bị thay thế. “Lớn tuổi rồi, tôi đã đi tàu gần bờ từ mấy năm trước. Từ khi biết 2 thằng nhỏ làm việc nghiêm túc trong khó khăn, tôi đã quay lại đi tàu xa bờ để có nhiều tiền hơn mà chu cấp cho chúng. Sự khó khăn, vất vả trên biển chẳng đáng kể gì khi hay tin con trai đoạt các giải thưởng về nghiên cứu khoa học” - ông Nguyễn Phước Trung, 53 tuổi, cha em Phí Long chia sẻ.

Khát vọng đưa Robocon vào cuộc sống

Với những cố gắng không biết mệt mỏi, giữa năm học 2016 - 2017, hai em Xuân Nhuận và Phi Long đã công bố mô hình “Cánh tay robot gắp vật 3 bậc tự do và xử lý ảnh qua internet”. Đây là kết quả của cả năm trời nghiên cứu, 3 lần thất bại với số tiền bỏ ra trên 20 triệu đồng. Tác phẩm ngay lập tức gây được sự chú ý và tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia đều có được giải thưởng. Trong đó, đáng chú ý là giải 3 Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2016 - 2017; giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh năm 2017. Hiện nay, Ban tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp toàn quốc đã thông báo đến nhóm nghiên cứu mô hình sáng tạo này đến Hà Nội nhận giải vào ngày 25 - 10 tới.

Chia sẻ về tương lai sắp tới, Xuân Nhuận và Phi Long cho biết, với “tấm vé” ưu tiên vào đại học, 2 em sẽ chọn Trường Đại học Bách Khoa,  TP. Hồ Chí Minh để học và nghiên cứu sáng tạo. Ước mơ lớn nhất của hai em sẽ cùng là một đội trong đội Robocon của trường, để thỏa chí sáng tạo ra những con robot ứng dụng được trong thực tế, giúp ích cho cuộc sống, đặc biệt là trong công việc còn nặng nề tay chân của bà con nông dân vùng biển mặn… Hiện nhóm nghiên cứu của 2 em với sự hướng dẫn của thầy Trương Đăng Khoa - Giáo viên hướng dẫn bộ môn kỹ thuật Trường THPT Lê Hoài Đôn chuẩn bị hoàn thành một tác phẩm mới với nhiều cải tiến kỹ thuật.

Thầy Trương Đăng Khoa, người đồng hành, hướng dẫn xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu học tập của Long và Nhuận đánh giá: “2 em như cặp bài trùng và rất ăn ý với nhau. Nếu Xuân Nhuận giỏi về cơ khí, vi mạch, thuyết trình thì Phi Long giỏi về lập trình, ý tưởng sáng tạo.”

Cô Phan Thị Thu Thủy - Chủ nhiệm lớp 12A5 Trường THPT Lê Hoài Đôn cho biết: “Hai em Xuân Nhuận và Phi Long học rất chăm chỉ, có tinh thần cầu tiến và không ngừng nỗ lực trong học tập. Hai em điều là học sinh giỏi của lớp. Niềm đam mê sáng tạo khoa học của hai em đã khơi dậy phong trào sáng tạo khoa học trong học sinh, tạo lan tỏa đến các em học sinh khác. Từ đó các em phát triển ý tưởng sáng tạo của mình, góp phần đưa các bài học trên lớp ứng dụng ra cuộc sống.

“2 em Nguyễn Phi Long và Phạm Xuân Nhuận đã mang về những giải thưởng khoa học kỹ thuật đầu tiên trong các trường THPT trên địa bàn huyện. Để động viên các em tiếp tục nghiên cứu khoa học, vừa qua, UBND huyện đã tổng kết tuyên dương 2 em”, ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết.

 

Mã Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN