Đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch không bị nhiễm mặn, bài 2:

Khi người dân phải “Sống chung” với mặn

08/03/2021 - 06:40

BDK - Xác định vấn đề thủy lợi, cấp nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người dân và cho sự phát triển chung của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong mùa mặn năm nay. Nhưng thực tế, người dân tại nhiều địa phương vẫn đối mặt với việc nguồn nước nhiễm mặn.

Hệ thống lọc RO công suất 10m³/giờ tại Nhà máy nước Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Hệ thống lọc RO công suất 10m³/giờ tại Nhà máy nước Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Tạo nguồn nước ngọt

Toàn tỉnh có 65 nhà máy nước (NMN), trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 33 NMN. Trong số các NMN do trung tâm quản lý chủ yếu cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn nông thôn. Hiện chỉ có 5 NMN tại xã Tiên Thủy, Phú Đức (Châu Thành), Tân Thanh Tây, Tân Bình (Mỏ Cày Bắc), Tân Mỹ (Ba Tri) có độ mặn từ 0,2 - 0,4%o, còn lại đều trên 1%o.

Ghi nhận độ mặn tại các NMN cung cấp nước máy trên toàn địa bàn huyện Thạnh Phú, vào ngày 2-3-2021, độ mặn dao động từ 1,8 - 5,4%o, trong đó cao nhất là tại xã Phú Khánh có độ mặn 5,4%o. Việc cung cấp nước máy nhiễm mặn trên địa bàn huyện đã xảy ra từ thời điểm cuối tháng 12-2020. Toàn huyện Thạnh Phú có 4 NMN: Thị trấn Thạnh Phú, Thới Thạnh, Hòa Lợi, Phú Khánh trực thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và 1 NMN tư nhân (Thanh Loan).

Trước tình hình này, UBND huyện Thạnh Phú đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh và xin được tiếp tục cấp nước máy bị nhiễm mặn để phục vụ nhu cầu tắm giặt, sinh hoạt thông thường. Hiện huyện có 32 máy lọc RO do các mạnh thường quân tài trợ đã được lắp đặt tại các xã để phục vụ nhu cầu sử dụng nước ngọt để ăn uống của người dân. Công suất máy lọc RO lắp tại các xã có công suất từ 0,5 - 3m3/giờ. Một số địa bàn như: Đại Điền, Phú Khánh… có giếng đào để phục vụ người dân trong khu vực.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết, huyện có chỉ đạo các xã thông tin đến người dân trên địa bàn nắm để đến lấy nước miễn phí khi có nhu cầu. Về phương án cấp nước qua hệ thống lọc RO, do công suất còn hạn chế nên thực hiện cấp tập trung và miễn phí cho người dân. Các NMN đã có cam kết với UBND huyện về việc đảm bảo cung cấp miễn phí nước ngọt qua máy lọc RO. Điểm cấp tại các NMN để phục vụ cho người dân sử dụng trong ăn uống. Hiện toàn huyện Thạnh Phú có 2 điểm nhà máy đã trang bị hệ thống lọc RO, với công suất 10m3/giờ là thị trấn và Phú Khánh. Các điểm còn lại là Hòa Lợi và Thới Thạnh công suất 3m3/giờ.

Không riêng Thạnh Phú, người dân một số nơi khác cũng chịu cảnh sử dụng nước mặn như: Long Mỹ, Thạnh Phú Đông, Tân Lợi Thạnh, Tân Hào… của huyện Giồng Trôm. Theo các ngành chức năng, một số cống đã hoàn thành trên địa bàn Giồng Trôm giảm được tác động mặn. Tuy nhiên, nguồn nước trên địa bàn chưa khép kín hoàn toàn do nằm trong các dự án thủy lợi thực hiện giai đoạn tiếp theo. Ghi nhận thực tế tại các hộ dân ở các xã nêu trên, nhiều người dân đã phản ánh tình hình nước sinh hoạt đã nhiễm mặn từ gần 2 tháng nay.

Hộ bà Nguyễn Thị Út, ở Ấp 1, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm cho biết, từ tháng 1-2021 đến nay, nước máy sinh hoạt đã bị nhiễm mặn. Cho nên, gia đình chỉ dùng cho tắm rửa, giặt giũ. “Các kênh, mương xung quanh nhà cũng đã nhiễm mặn nên không dùng nước tưới được, đành bỏ thí luôn”, bà Út nói. Nhà bà Út có sử dụng các khạp để trữ nước mưa, chỉ dùng để nấu ăn. Ngoài ra, các hộ dân ở khu vực này còn mua nước lọc bình để uống hoặc nấu ăn, với giá khoảng 7 ngàn đồng/ bình 20 lít.

Theo anh Quách Duy Thịnh, kinh doanh homestay, tại Ấp 1, xã Thạnh Phú Đông, khu vực xã anh đã chịu cảnh sử dụng nước mặn. “Do làm homestay nên mình phải tính cách khác để có nước ngọt cho khách đến lưu trú. Tôi có cây nước trữ riêng để dành cho khách sử dụng”.

Nhiều phương án triển khai

Theo giải thích của Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương, nguyên nhân nước nhiễm mặn là do nước có độ mặn cao từ nhánh sông Hàm Luông và Cổ Chiên đi qua Mỏ Cày Nam và luồng vào các dòng kênh, rạch lớn của huyện Thạnh Phú. Cụ thể, kênh Chín Thước và kênh Phụ Nữ, độ mặn từ thượng nguồn đổ xuống, hòa vào các kênh gây nhiễm mặn toàn bộ, với độ mặn dao động trên dưới 2%o.

Thông tin từ NMN Thạnh Phú, độ mặn tại Phú Khánh cao đến 5,4%o là do sự cố ngày 20-12-2020, cống Giồng Luông đang trong giai đoạn thi công nên thiết bị cửa cống bị mở ngoài ý muốn khiến mặn xâm nhập vào bên trong. Sau đó, đơn vị thi công cống đã đóng lại đến nay.

Trao đổi vấn đề này, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bến Tre Hồ Ngọc Hậu cho hay, đến thời điểm hiện tại, các công trình do công ty quản lý và công trình tạm bàn giao cửa cống để công ty quản lý vận hành đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt. Tất cả các công trình cống sẵn có trong khu vực huyện Thạnh Phú đều đã được đóng cửa trước khi độ mặn xâm nhập, nhưng do khu vực này chưa được khép kín nên nguồn nước có độ mặn cao vẫn xâm nhập vào nội đồng từ Vàm Thơm và Vàm Cái Quao.

Theo lý giải của ông Hồ Ngọc Hậu, khu vực nội đồng huyện Thạnh Phú phụ thuộc vào nguồn nước từ Vàm Thơm trên sông Cổ Chiên, Vàm Cái Quao trên sông Hàm Luông và hiện chưa có cống ngăn mặn. Trong đó, trục dẫn Cả Chát Lớn - Phụ Nữ - Cả Ráng Sâu đi qua địa bàn các xã: Thới Thạnh, Tân Phong, Hòa Lợi, Quới Điền, Bình Thạnh nguồn nước lấy từ Vàm Thơm. Trục dẫn Chín Thước - Cầu Đúc - Cổ Rạng gồm các xã: Tân Phong, Phú Khánh, Đại Điền, Quới Điền, Mỹ Hưng và thị trấn Thạnh Phú nguồn nước lấy từ Vàm Cái Quao.

Về phương án vận chuyển nguồn nước ngọt thô về các NMN bằng sà lan, tất cả các NMN trên địa bàn huyện Thạnh Phú đều không thực hiện được. Ông Lê Hoàng Phong - Trưởng khu vực cấp nước Thạnh Phú thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: “Nếu dùng phương tiện sà lan để vận chuyển nước thì các NMN nông thôn đều gặp khó do địa hình các NMN nằm trong hẻm nhỏ, việc dẫn ống nước chuyển từ ngoài kênh vào các NMN cũng không khả thi”.

Mặt khác, các NMN trang bị hệ thống lọc nước RO có công suất rất nhỏ nên không đảm bảo việc cấp nước lọc RO đầy đủ cho hộ dân đăng ký sử dụng nước máy. Toàn huyện Thạnh Phú có 2 điểm nhà máy đã trang bị hệ thống lọc RO, với công suất 10m3/giờ là thị trấn và Phú Khánh. Các điểm còn lại là Hoà Lợi và Thới Thạnh công suất 3m3/giờ. Trong khi, nhu cầu cung cấp nước máy toàn huyện hiện từ 9-12 ngàn m3 nước/ngày.

Theo Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý khai thác thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Vũ Đình Trác, từ tháng 10-2020, trung tâm đã lập kế hoạch và định hình thực hiện vận chuyển nước ngọt bằng sà lan phục vụ cho các NMN vận hành trong thời gian xâm nhập mặn. Tuy nhiên, trong quá trình đưa kế hoạch đi vào thực tế có nhiều khó khăn.

Cụ thể, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua, vận chuyển nước ngọt vẫn chưa được phê duyệt để trung tâm triển khai thực hiện. Giá nước ngọt, sạch cung cấp trong thời gian xâm nhập mặn vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy, nguồn thu dịch vụ của đơn vị hiện tại không đủ khả năng chi trả cho việc mua, vận chuyển nước ngọt phục vụ cho các NMN vận hành liên tục trong thời gian xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, tuyến đường vận chuyển nước có những đoạn thu hẹp, mở rộng. Có những lúc không thể di chuyển dẫn đến tình trạng các sà lan không thể bơm cấp liên tục cho hệ thống xử lý của các NMN vận hành.

C.Trúc - Ph. Hân - T. Đồng - T.Thảo - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN