Khởi nghiệp với trà sữa

22/02/2017 - 14:52
Phượng luôn cố gắng hết sức để thực hiện niềm đam mê kinh doanh với trà sữa.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và có việc làm ổn định nhưng Lê Thị Kim Phượng lại từ bỏ để theo học nghề pha chế thức uống. Quyết đeo đuổi niềm đam mê bằng cả con tim và lý trí, cô gái 8X hiện giờ là chủ doanh nghiệp với mô hình kinh doanh khá thành công mang thương hiệu Trà sữa Kim Nhi.

 

Đối với gii trẻ TP. Bến Tre, cái tên Trà sữa Kim Nhi hẳn khá quen thuộc. Bên trong quán trà sữa, Hồng và Trang vừa thưởng thức nước uống vừa chuyện trò. Trang cho biết: “Chúng em từ Mỏ Cày Bắc tới, Kim Nhi là điểm hẹn thường xuyên của bọn em. Quán có không gian khá thoải mái, nhiều bàn ghế được thiết kế để ngồi dạng nhóm bạn, tiếng nhạc êm dịu, thức uống ngon và nhiều món thức ăn nhanh, có wifi. Là nơi lý tưởng để trú nắng và vui chơi”. Đến Trà sữa Kim Nhi, khách hàng có thể cảm nhận sự khác biệt với không gian thiết kế ấm cúng, danh mục thức ăn cũng như thức uống đa dạng, chủ đạo là món trà sữa thơm ngon rất đặc trưng mang lại cảm giác tự do, thoải mái khi vô quán.

Lê Thị Kim Phượng, sinh năm 1985 sống tại TP. Bến Tre, xuất thân trong một gia đình khá giả. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngành quản trị kinh doanh năm 2008, Phượng có một việc làm với mức thu nhập ổn định tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng cô đã nghỉ việc để sang một lối rẽ khác: về quê bán trà sữa. Ai cũng bảo Phượng gan quá, nhưng cái “gan” ấy được cô xây dựng từ nhận định thực tế và đam mê nên đã quyết tâm theo đuổi.

Từ thời còn là sinh viên, Phượng và nhóm bạn học rất thích đi đến những quán nước có phong cách trẻ trung. Quán Trà sữa Hoa Hướng Dương, Alô Trà... được Phượng cùng nhóm bạn chọn làm “điểm hẹn” thường xuyên. Mô hình kinh doanh của quán chủ yếu phục vụ giới trẻ đã được Phượng và nhóm bạn nghiên cứu, học tập mang vào làm đề tài luận án tốt nghiệp với tên gọi “Khởi nghiệp cho sinh viên mới ra trường”. Nội dung của luận án là xây dựng một mô hình kinh doanh nước uống như khu vui chơi dành cho giới trẻ, sinh viên, học sinh. Và cô chưa từng nghĩ mình sẽ về quê để mở quán.

Nhưng “cơ duyên” đến, khi có người bạn làm trong quán Hoa Hướng Dương đề nghị sẽ truyền nghề pha chế cho Phượng. Ban đầu cô chỉ đến quán học nghề cho… vui. Sau thấy gia đình ở quê đơn chiếc, cô quyết định về Bến Tre sinh sống và mở quán bán trà sữa. Phượng đã nghỉ hẳn công việc để chuyên tâm học nghề pha chế. Cô gái càng học càng đam mê và tiếp tục đi nhiều nơi để “tầm sư học đạo”. Phượng đã tìm đến một quán bán trà sữa có cách pha chế theo cô là cực ngon. Cô đến xin chủ quán cho vào làm việc không công. Sau 3 tháng làm thuê, được chủ quán giao luôn nhiệm vụ quản lý, cô đã học được bí quyết pha chế trà sữa ngon.

Từ vốn kiến thức sẵn có, Phượng đã thuyết phục gia đình đầu tư vốn cho cô mở quán. Khởi nghiệp khi mới 25 tuổi, Phượng gặp rất nhiều khó khăn vì gia đình không ai có kinh nghiệm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Năm 2009, quán trà sữa Kim Nhi đầu tiên mở ra, do mô hình mới nên được giới trẻ đón nhận rất nồng nhiệt, 1 ngày tiếp gần 1.000 khách, tình trạng quá tải khiến cô không quản lý được doanh thu cũng như không đáp ứng được nhu cầu của khách. Nhưng với sự nhiệt huyết của Phượng, nhiều người thân và bạn bè đã “động lòng” và hết mình giúp đỡ cô từ vốn đầu tư, thiết kế quán cho đến các việc linh tinh khác. Những ngày đầu mở quán, chỉ có 3 nhân viên, còn lại là người thân phụ giúp cô từ việc giữ xe, rửa chén, phục vụ bàn, thu ngân. Phượng nhớ lại: “Những ngày ấy, chúng tôi phải làm việc từ 6 giờ sáng hôm nay đến gần 1 giờ sáng hôm sau...”. Dần dà khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cộng thêm việc áp dụng công nghệ thông tin một cách sáng tạo, trao niềm tin đối với nhân viên giúp Phượng thành công trong khâu quản lý.

Định hướng của bà chủ 8X sẽ đi xa hơn trong ngành này, cô đã mở thêm quán pizza, bán thức ăn nhanh, đánh sang thị trường mới là Tiền Giang và Trà Vinh. Từ cơ sở kinh doanh trà sữa Kim Nhi đầu tiên được mở năm 2009, đến nay Phượng đã nâng lên thành Doanh nghiệp tư nhân Trà sữa Kim Nhi với 7 chi nhánh bán trà sữa, trải khắp các phường 4, 5, 8 và Phú Tân ở TP. Bến Tre, 1 chi nhánh ở TP. Mỹ Tho. Phục vụ thức uống như trà sữa, hồng trà, lục trà, cafe, soda, các món đá xay với khoảng 30 hương vị khác nhau; các món cơm, mì, nui, pizza, gà rán, đồ chiên... Khâu nguyên liệu được Phượng chọn lọc khá kỹ càng. Cô chỉ yên tâm khi sử dụng các nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi chế biến món trà sữa; hiện cô đang làm nhà phân phối độc quyền nguyên liệu trà sữa của Công ty CP TM - SX - DV Gia Thịnh Phát tại tỉnh Bến Tre.

Sau 7 năm hoạt động, hệ thống chi nhánh Trà sữa Kim Nhi giải quyết việc làm cho nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Đó là những bạn trẻ thích tự lập, tìm đến quán để làm thêm, làm bán thời gian, vừa để trải nghiệm, vừa có thêm chi phí sinh hoạt. Hiện tại, hệ thống có 30 nhân viên, trong đó nhiều sinh viên ban đầu chỉ đến làm việc bán thời gian, sau khi ra trường vẫn tiếp tục gắn bó và làm việc tại Trà sữa Kim Nhi cho đến nay.

 “Mình suy nghĩ liên tục, không ngừng để tìm cái mới đáp ứng thị hiếu giới trẻ. Bến Tre mình có ít điểm vui chơi dành cho giới trẻ, đi học xong không biết đi đâu chơi, Quán trà sữa Kim Nhi mở ra như một điểm hẹn vui chơi, tạo một hồi ức đẹp cho bao thế hệ trẻ đi qua. Hiện tại, mình cảm thấy khá hài lòng với những gì đã đánh đổi, khi bạn cố gắng hết sức với niềm đam mê ít nhiều sẽ gặt hái được thành quả, có làm, dám làm mới có thành công” - Phượng tâm sự. Về quá trình thành lập doanh nghiệp, cô chia sẻ: Nhờ được sự hướng dẫn tận tình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các thủ tục mình làm khá đơn giản và được giải quyết sớm hơn thời gian quy định. Kinh nghiệm khởi nghiệp được cô gái trẻ chia sẻ khá thoải mái. Nhiều bạn trẻ đã học hỏi mô hình kinh doanh của Trà sữa Kim Nhi và được Phượng sẵn sàng hướng dẫn nghề pha chế, chế biến thức ăn nhanh, cung cấp nguyên liệu bán trà sữa.

Câu chuyện của Phượng như tiếp thêm động lực cho bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đây là doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định của pháp luật và hiệu quả hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

 

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN