Mỏ Cày Nam phát triển vùng nguyên liệu nông sản tập trung

14/10/2020 - 22:31

BDK - Với lợi thế mới về phát triển giao thông, nông nghiệp của huyện Mỏ Cày Nam (chủ yếu là cây dừa và con heo) được hoạch định theo hướng: hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và xây dựng các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo sinh kế cho người dân.

Giao thông thủy tại huyện được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: T.Thảo

Giao thông thủy tại huyện được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: T.Thảo

Nâng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân là một trong những nội dung trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mỏ Cày Nam đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 92 triệu đồng/người/năm trong giai đoạn 5 năm tới.

Thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học như: dừa hữu cơ, bưởi da xanh VietGAP, rau hữu cơ, gà thả vườn an toàn sinh học. Bên cạnh đó, người dân còn tập trung tỉa thưa vườn dừa, đầu tư thâm canh, phát triển các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa như: xen cỏ nuôi bò, xen bưởi da xanh, xen mãng cầu xiêm, nuôi tôm càng xanh liền canh liền cư trong mương vườn dừa; cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, kết hợp với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sạch, an toàn sinh học. Từ đó, giúp người nông dân tạo ra giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích, ước toàn huyện có trên 40% đất sản xuất nông nghiệp đạt giá trị trên 200 triệu đồng/ha.

 Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hướng tới giá trị sản xuất lên 300 triệu đồng/ha, thông qua việc nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của huyện, thực hiện nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm”.

Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung

Với định hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho sản phẩm thế mạnh là cây dừa và con heo, cùng lợi thế mới về giao thông, trong tương lai, vị thế của huyện dự báo là sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Diện tích dừa hiện đang bao phủ toàn huyện, với 16.920ha. Đây sẽ là vùng nguyên liệu dừa tập trung, quy mô toàn huyện. Mỏ Cày Nam cũng đang tiến hành xây dựng Đề án Quy hoạch vùng trồng dừa hữu cơ. Phấn đấu toàn huyện có 30% diện tích vườn dừa thực hiện quy trình canh tác hữa cơ. Trong đó, có 10% được chứng nhận thực hiện liên kết tiêu thụ hiệu quả và bền vững; 70% diện tích còn lại được đầu tư thâm canh, phát triển trồng xen, nuôi xen để tăng thu nhập.

Cây ăn trái của huyện đang có chiều hướng phát triển khá mạnh với diện tích 1.892ha (đa phần là trồng xen), sản lượng ước đạt 6.213 tấn, tập trung nhiều nhất là cây bưởi da xanh. Trên cơ sở đó, huyện định hướng xây dựng vùng cây ăn trái (vùng liên xã) với diện tích trên 500ha, tập trung ở 5 xã: An Định, An Thới, Tân Trung, Minh Đức và Hương Mỹ.

Hiện tổng đàn heo toàn huyện xấp xỉ 200 ngàn con, gia cầm gần 1,5 triệu con, ngành chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân Mỏ Cày Nam. Do đó, việc định hướng quy hoạch vùng chăn nuôi trong thời gian tới được xem là điều tất yếu và cần thiết. Vùng chăn nuôi tại huyện được xác định liên xã Thành Thới A, Thành Thới B, Cẩm Sơn, An Thới và Ngãi Đăng, đây là những xã có quy mô chăn nuôi lớn, tổng đàn chiếm trên 50% toàn huyện.

 Bước đầu, huyện đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Heo Mỏ Cày Nam” và nhãn hiệu chứng nhận “Gà tàu lai nòi Mỏ Cày Nam”. Huyện đã thực hiện và nhân rộng dự án ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi để bón cho cây trồng, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi. Phát triển ngành chăn nuôi của huyện theo hướng tập trung trang trại, an toàn vệ sinh phòng dịch, gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, huyện còn định hướng xây dựng vùng nuôi tôm càng xanh tại các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, An Thạnh, Đa Phước Hội, với diện tích trên 500ha trên nền tảng các tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh tại các xã này và duy trì hoạt động ở mức khá.

Phát triển hạ tầng giao thông

Giao thông đường bộ tại huyện Mỏ Cày Nam ngày càng được đầu tư và mở mang. Cùng với việc mở rộng quốc lộ 60 và mở rộng quốc lộ 57 đưa huyện Mỏ Cày Nam trở thành nút giao thông quan trọng trong liên kết khu vực tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Lợi thế về giao thông thủy trên địa bàn huyện cũng đang được các nhà đầu tư chú ý về năng lực vận tải, phát triển logictics và du lịch.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, có chiều dài toàn tuyến 22,38km, đã đưa vào sử dụng từ ngày 15-1-2020. Trong đó, có 14km đi ngang qua các xã Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh, Thành Thới A và An Thới của huyện Mỏ Cày Nam. Bên cạnh đó, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao (Vĩnh Long ) đến thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, dài 39,19km. Dự án đi qua địa phận huyện Mỏ Cày Nam có chiều dài 1,7km, mặt đường hiện hữu được nâng cấp, mở rộng mỗi bên 3m. Dự kiến vào cuối năm 2020, dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội tại huyện nói chung. Đặc biệt, phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ hai bên tuyến đường.

Những lợi thế về giao thông thủy đã được huyện cụ thể hóa, đưa vào nghị quyết thực hiện trong thời gian tới. Một trong 3 nhiệm vụ đột phá huyện Mỏ Cày Nam xác định thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị trên trục quốc lộ. Khai thác lợi thế của hai dòng sông Cổ Chiên và Hàm Luông để phát triển công nghiệp, đô thị. Đến năm 2030, đô thị Mỏ Cày được công nhận đô thị loại III và trở thành Đô thị Dừa của Bến Tre.

Để thực hiện nhiệm vụ đột phá này, tại Đại hội Đảng bộ huyện Mỏ Cày Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào tháng 7-2020, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam đã đề nghị huyện: “Phát huy lợi thế giao thông để phát triển đô thị cảnh quan dọc quốc lộ 60 và thúc đẩy phát triển đô thị trên toàn địa bàn. Tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới thương mại dịch vụ, nhằm phát huy lợi thế đường giao thông thủy, bộ liên tỉnh của quốc lộ 60, quốc lộ 57, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên để hình thành mô hình phát triển kinh tế ven sông”.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cho rằng, huyện cần tập trung lãnh đạo và xây dựng chiến lược phát triển du lịch đặc trưng; trong đó, duy trì liên kết, phối hợp 4 huyện “Cù lao Minh - một hành trình 4 điểm đến”; hình thành sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tài nguyên bản địa, vận dụng tốt môi trường sinh thái, cảnh quan sông nước gắn với du lịch tâm linh; kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng, trạm dừng chân, điểm tham quan, nơi trải nghiệm gắn kết với làng du kích Đồng Khởi, chợ nổi Dừa sông Thom, cồn Thành Long. 

Liên kết sản xuất, kết nối thị trường

Việc phát triển các hợp tác xã trên địa bàn huyện đã góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương theo hướng tăng hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng nguồn tài nguyên, vật liệu hiện có và nguồn lực lao động tại chỗ và góp phần tạo ra giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm.

 Hiện huyện Mỏ Cày Nam có 290 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp hoạt động theo Nghị định số 77/NĐ-CP, số thành viên tham gia 4.170 người. Thành lập 10 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, số thành viên tham gia hợp tác xã 915 người, vốn điều lệ 3.236 triệu đồng, có 200 lao động thường xuyên làm việc trong hợp tác xã với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; doanh thu bình quân của hợp tác xã 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 200 triệu đồng/năm/hợp tác xã.

 “Từ những thế mạnh về vùng nguyên liệu nông sản dồi dào, sản xuất theo hướng an toàn, cùng lợi thế về giao thông vận tải, vấn đề phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân huyện Mỏ Cày Nam trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là con người. Do đó, người dân cần nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của kinh tế tập thể để tham gia liên kết sản xuất. Vì không có vùng nguyên liệu tập trung và ổn định, chúng ta không làm được gì. Với ý chí, khát vọng vươn lên cộng hưởng với hành động quyết liệt, huyện Mỏ Cày Nam sẽ xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng dựa trên vùng nguyên liệu tập trung để tạo sự thay đổi tích cực về kinh tế nông nghiệp địa phương trong nhiệm kỳ mới” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hồng Nhung khẳng định.

Huyện Mỏ Cày Nam có diện tích cây dừa hiện đang bao phủ toàn huyện với 16.920ha, đứng thứ hai của cả tỉnh. Số lượng đàn heo cao nhất tỉnh, với khoảng 200 ngàn con. Bên cạnh đó, huyện được bao bọc bởi 2 sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông. Trên địa bàn huyện, có quốc lộ 57 và quốc lộ 60 đi qua, tạo thuận lợi cho Mỏ Cày Nam trong liên hệ vùng, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN