Một đời như kẻ tìm đường

13/03/2020 - 07:33

BDK - Tôi được biết đến Giáo sư Phan Văn Trường khi ông về Bến Tre để tổ chức lớp cấy nền cho thanh niên khởi nghiệp (KN), một hoạt động trong chuỗi khóa học miễn phí, nhằm hỗ trợ thanh niên gặp khó khăn trong KN, lập nghiệp. Kiến thức, kinh nghiệm và những giải pháp để xây dựng và phát triển hệ sinh thái KN mà giáo sư truyền đạt tại lớp cấy nền KN, góp phần mang đến nhiều cảm hứng mới cho thanh niên xứ Dừa.

Bìa sách “Một đời như kẻ tìm đường” .

Bìa sách “Một đời như kẻ tìm đường” .

Giáo sư Phan Văn Trường vốn là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ năm 1990. Ông 2 lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ và Chủ tịch nước tặng huy chương Vì sự nghiệp giáo dục (năm 2010). Giáo sư giảng dạy quy hoạch vùng và kinh tế đô thị, Đại học Paris 1 - Panthéon-Sorbonne (1973 - 1975). Ông giữ nhiều vị trí lãnh đạo cao, kinh doanh, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí và tham gia giảng dạy, tổ chức các hội thảo chuyên môn tại nhiều trường đại học trong nước. Giáo sư là cố vấn chiến lược cho Viện Quản trị và công nghệ (FSB, thuộc Đại học FPT) từ năm 2016, Cố vấn cấp cao của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình từ năm 2018.

Tháng 7-2017, ông đã cùng 22 nông dân trẻ thành lập Câu lạc bộ KN nông nghiệp Việt Nam, đến nay có khoảng 80 ngàn thành viên, trở thành một hệ sinh thái đón nhận và chia sẻ thông tin của các nông dân từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Sự quan tâm đặc biệt của giáo sư dành cho thế hệ trẻ, nhất là lớp thanh niên KN ở nhiều khía cạnh. Ông đã cho ra đời 3 tựa sách gồm: Một đời thương thuyết, Một đời quản trị và Một đời như kẻ tìm đường. Cả 3 cuốn đều là sự chắt lọc từ những trải nghiệm trong suốt nhiều năm tháng nghề nghiệp của giáo sư và đều được ông tặng trọn tác quyền và bút nhuận cho Quỹ Lê Mộng Đào, một quỹ xã hội của Tập đoàn Xây dựng và địa ốc Hòa Bình nhằm giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó và xuất sắc.

Trong đó, đặc biệt “Một đời như kẻ tìm đường” lại là quyển sách có nội dung thiên nhiều hơn về triết lý sống. Mặc dù vậy, “nhưng sách không do một triết gia viết, mà do một người yêu đời, yêu người, yêu hạnh phúc, yêu tình thương, yêu tiến bộ và nhất là yêu dân tộc một cách thật giản dị viết. Mang sự trải nghiệm sống thực để lan tỏa”, tác giả viết.

Chia sẻ ở đầu sách, ông viết: “Các em hỏi tôi bây giờ nên đi đâu, hướng nào trước? Tại sao các em hỏi tôi thì tôi cũng không biết. Có lẽ các em đã hỏi rất nhiều người và có lẽ phương tiện internet cho phép các em lan tỏa câu hỏi một cách rộng rãi và đôi khi tùy tiện. Nào tôi đâu có lời giải đáp cho tất cả những câu hỏi! Nhưng tôi đã không để một thắc mắc nào tiếp tục đơn côi, tôi cố gắng đem lại cho mỗi em một cách nhìn khác cùng với chút ít tự tin. Sau nhiều năm làm việc này, tôi mới nảy ra ý nghĩ gom góp tất cả những thắc mắc của người hỏi vào một nơi để mọi người có thể cùng đọc, cùng bàn luận và chia sẻ”.

“Một đời như kẻ tìm đường” gồm 20 chương viết nhưng đọc mà không thấy dài. Những câu chuyện trải nghiệm trong đời được giáo sư kể lại trong sách một cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh, những vần thơ lục bát được ông lồng ghép vào văn đã lôi cuốn người đọc một cách đầy duyên dáng. Ông tự ví mình là kẻ tìm đường, không phải như Từ Thức đi tìm thiên thai, cảnh lạ, “tôi chỉ cố gắng đi tìm những phương thức phù hợp nhất cho mình, cho mỗi cá nhân, mỗi dân tộc”, ông nói.

Anh Nguyễn Hữu Duy, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ KN nông nghiệp Việt Nam khi đọc quyển sách này đã có lời nhận xét: “Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, khiêm nhường và hóm hỉnh. Vẫn những vần thơ lục bát truyền thống của Việt Nam, đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa sâu sắc. Một đời như kẻ tìm đường là tác phẩm xuất sắc tiếp theo của Giáo sư Phan Văn Trường. Một con người kiệt xuất hiếm có mà mỗi lần nói chuyện, mỗi lần đọc sách của thầy là tôi lại một lần nữa thu hoạch rất nhiều điều bổ ích. Đặc biệt khi được đọc cuốn sách Một đời như kẻ tìm đường, tôi thấy lại những giá trị sâu xa nhất của bản thân và cuộc sống”.

Mỗi chương sách nói về một nội dung độc lập như: những hướng đi khả thi về nghề nghiệp và cuộc phiêu lưu khám phá bản năng; giữ thái độ đúng đắn thay vì đơn thuần chọn hướng đi; những cuộc gặp gỡ với những con người đặc biệt; đời sống tình cảm; thành công và thất bại; câu chuyện phá sản; tạo cơ hội; viết cho phụ huynh...

Gửi gắm vào những trang sách chính là những kỳ vọng của giáo sư vào một thế hệ trẻ đầy hứa hẹn. Ông viết: “Sách cũng là cẩm nang tôi muốn trao lại cho các em ngày hôm nay còn trẻ, vào những năm 2050 sẽ ở độ tuổi quyền lực và chín mùi nhất, với hy vọng các em góp nhặt được những điều thực sự có ích... Bạn hãy rút tỉa từ sách những gì bạn muốn rút tỉa và hãy bỏ rơi những ý không thuộc về bản ngã của mình lại...”.

Để kết lại, tôi xin dẫn lại nguyên văn tâm ý của GS. Phan Văn Trường gửi đến quý bạn đọc: “Sách này được viết bởi một người suốt đời khao khát, tìm tòi những đường hướng tốt để đi, mong muốn tặng lại cho những người trẻ đang khát khao cũng tìm kiếm hướng đi đúng đời mình. Không cầu kỳ, không giáo điều, sách chỉ chứa toàn chuyện đơn giản cho những con người giản đơn. Bạn đọc hãy hiểu ý tôi, làm được điều này tôi sẽ rất mãn nguyện”.

Quyển sách “Một đời như kẻ tìm đường” là sách mới do Nhà xuất bản Trẻ phát hành quý IV - năm 2019, trải qua 3 lần in và được độc giả cả nước đón nhận hơn 10 ngàn bản.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN