Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số

06/01/2021 - 06:54

BDK - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 20-10-2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu tổng quát và cụ thể đến năm 2025 và hướng đến năm 2030.

Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển đô thị. Ảnh: H.Trang

Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển đô thị. Ảnh: H.Trang

Thực trạng và những bất cập

Thời gian qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, đã thúc đẩy từng cơ quan, đơn vị tích cực ứng dụng ICT trong hoạt động công vụ. Đến nay, tỉnh đã đồng bộ hóa việc ứng dụng ICT trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông từng bước được đầu tư và hiện đại hóa. Toàn tỉnh hiện có 3 trung tâm tích hợp dữ liệu đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 78,5% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và Internet băng thông rộng để phục vụ công việc. Riêng các cơ quan khối Đảng sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan đảng để kết nối mạng thông tin diện rộng của Đảng. Hệ thống hội nghị trực tuyến được đầu tư, liên thông từ Trung ương đến địa phương, phương thức hội nghị trực tuyến kết nối 3 cấp từ Trung ương đến huyện được sử dụng và phát huy hiệu quả; giải pháp bảo mật và an toàn thông tin được đảm bảo. Hệ thống quản lý văn bản điều hành được triển khai đến tất cả các sở, ban, ngành và liên thông từ Trung ương đến cơ sở gắn với việc sử dụng hộp thư điện tử công vụ và chữ ký số.

Tuy nhiên, việc ứng dụng ICT hướng đến CĐS còn nhiều hạn chế, trong đó quan trọng nhất là nhận thức về việc ứng dụng ICT chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng ICT trong cải cách hành chính chưa sâu rộng, việc chuyển đổi ở các doanh nghiệp, địa phương còn chậm, thiếu sự mạnh dạn đầu tư; công tác điều tra, thống kê các dữ liệu để phục vụ CĐS thiếu kịp thời; thiếu cơ chế, quy định, quy hoạch, hướng dẫn cụ thể về tổ chức triển khai ứng dụng ICT định hướng CĐS toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đổi mới sáng tạo của địa phương thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng ICT của tỉnh trong những năm qua xếp hạng thấp (năm 2018 xếp hạng 50/63, năm 2019 xếp hạng 53/63 tỉnh/thành trong cả nước).

Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2025, tỉnh trở thành địa phương thành công về CĐS của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hình thành hệ sinh thái ICT địa phương, kết nối hiệu quả vào hệ sinh thái quốc gia.

Đến năm 2030, tỉnh trở thành địa phương có kết quả CĐS trong top 5 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng ICT của tỉnh đạt top 10 của cả nước; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội của địa phương để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và huyện được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 80% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ vào hệ thống quốc gia; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, 1 lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Kinh tế số chiếm 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng ICT của tỉnh đạt top 25 của cả nước.

Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh tại TP. Bến Tre.

Hướng đến năm 2030

Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Nâng cấp Hệ thống thông tin báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội của địa phương. Kết hợp so sánh với các địa phương khác để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và huyện; 90% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ vào hệ thống quốc gia; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng ICT của tỉnh đạt top 10 của cả nước.

Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 100% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; xây dựng thành công đô thị thông minh tại TP. Bến Tre; hình thành nền tảng đô thị thông minh tại huyện Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú.

Hữu Hiệp (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN