Nghĩa vụ bồi thường tiền đặt cọc do vi phạm hợp đồng

22/02/2021 - 06:52

Ông Võ Văn Hàu có nhu cầu tư vấn: Vợ chồng tôi có 100m2 đất là tài sản chung, do tôi đứng tên sổ đỏ. Tháng 2-2020, tôi làm giấy viết tay (có chứng thực chữ ký) bán cho ông A đất này với giá 400 triệu đồng. Ông A đã đặt cọc trước cho tôi 100 triệu đồng, hẹn sẽ thanh toán hết khi tôi hoàn tất việc sang tên cho ông đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Tôi làm thủ tục chuyển nhượng QSSĐ cho ông A không được, do vợ tôi không đồng ý ký tên. Ông A đòi bồi thường tiền đặt cọc gấp đôi (200 triệu đồng). Tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc như sau:

“1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

- Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

QSDĐ mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng”.

- Mặt khác, Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: a) Bất động sản; b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.

Như ông trình bày, phần đất 100m2 là tài sản chung, do ông đứng tên  giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ). Do vậy, về quyền tài sản ông cũng xác định được đây là tài sản chung của vợ chồng ông.

Về chủ thể (người được quyền bán) được quyền giao dịch chuyển nhượng phần đất 100m2 trên là của ông và vợ ông. Việc ông tự ý thực hiện giao dịch chuyển nhượng phần đất trên với ông A mà chưa có sự đồng ý của vợ ông là vi phạm Khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 “… định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận”.

Việc ông A đòi bồi thường số tiền cọc gấp đôi 200 triệu đồng là quyền của ông A, theo quy định tại Khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự. Nếu giữa ông và ông A không có thỏa thuận khác khi giao kết hợp đồng đặt cọc thì ông phải bồi thường gấp đôi số tiền ông A đã đặt cọc (tức 200 triệu đồng).

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN